1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ theo dõi nghi vấn "rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện Trung Quốc"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chính phủ Mỹ được cho đang đánh giá một nghi vấn cho biết rò rỉ hạt nhân có thể đã xảy ra ở một nhà máy điện ở Quảng Đông, Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó đã lên tiếng bác bỏ thông tin này,

Mỹ theo dõi nghi vấn rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện Trung Quốc - 1

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: FactWire).

CNN dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ và các tài liệu có liên quan cho hay, chính phủ nước này cuối tuần qua đã xem xét một thông tin về nghi vấn có thể đã xảy ra rò rỉ hạt nhân ở một nhà máy điện Trung Quốc, sau khi một công ty Pháp sở hữu một phần và hỗ trợ vận hành nhà máy cảnh báo về "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra".

Theo nguồn tin, công ty Pháp có tên là Framatome và cơ sở tại Trung Quốc là Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở Đài Sơn, Trung Quốc.

Theo lá thư mà Framatome gửi cho Bộ Năng lượng Mỹ, công ty này cho rằng cơ quan an toàn Trung Quốc đang nới lỏng các giới hạn có thể chấp nhận được đối với việc phát hiện bức xạ bên ngoài nhà máy Đài Sơn để tránh việc nhà máy phải đóng cửa. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo đáng báo động từ phía công ty Pháp, một nguồn tin nói rằng, Mỹ đánh giá tình hình nhà máy Đài Sơn vẫn chưa ở mức độ "khủng hoảng".

Theo nguồn tin, Framatome dường như đã liên lạc với Mỹ với mong muốn Washington có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật để giải quyết vấn đề ở nhà máy Trung Quốc.

Theo giới quan sát, việc một công ty nước ngoài đơn phương gửi thư tới Mỹ để cầu cứu vì cho rằng phía Trung Quốc không quan tâm tới mối đe dọa, được xem là không bình thường. Kịch bản này có thể đẩy Mỹ vào một tình huống phức tạp nếu thông tin vụ rò rỉ là đúng và nó tiếp tục xảy ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn mà không được khắc phục.

Ngoài ra, các nguồn tin nói rằng, Mỹ dường như cũng bày tỏ mối quan ngại đủ lớn với vấn đề trên khi tuần qua, Ủy ban an ninh quốc gia nước này đã tổ chức nhiều cuộc họp khi theo dõi tình hình liên quan tới nhà máy ở Đài Sơn.

Chính quyền Mỹ được cho cũng thảo luận tình hình với phía chính phủ Pháp và các chuyên gia ở Bộ Năng lượng. Các nguồn tin nói rằng, Mỹ dường như cũng liên hệ với phía Trung Quốc, nhưng chưa rõ là ở cấp độ nào.

Phía Mỹ từ chối giải thích về các động thái họ thực hiện, nhưng các quan chức nước này khẳng định rằng nếu có bất kỳ rủi ro nào đối với công chúng Trung Quốc, Mỹ sẽ phải công bố điều này theo các hiệp ước hiện hành liên quan đến tai nạn hạt nhân.

Trung Quốc lên tiếng

Theo Bloomberg, Tập đoàn Điện hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc (CGN) cho biết, các chỉ số về môi trường xung quanh nhà máy Đài Sơn là bình thường. Theo thông báo, đơn vị sản xuất điện số 1 tại nhà máy ở Quảng Đông vẫn đang vận hành bình thường và đơn vị 2 mới được kết nối lại với lưới điện tuần trước sau quá trình đại tu.

Hai đơn vị trên có sản lượng 3,3 gigawatt và đi vào hoạt động từ năm 2018 và 2019.

CGN sở hữu 50% cổ phần của nhà máy Đài Sơn, trong khi công ty mẹ của Framatome, Electricite de France SA, có 30% cổ phần. Tập đoàn năng lượng Yuedian ở Quảng Đông nắm phần còn lại.

Trung Quốc là thị trường điện hạt nhân lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Pháp. Chưa từng có tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nào xảy ra trên lãnh thổ nước này.