1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tập trận rầm rộ, gửi tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc Mỹ triển khai số lượng kỷ lục tiêm kích tàng hình F-22 đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương được cho là nhằm đối phó với máy bay ném bom chiến lược thế hệ kế tiếp của Trung Quốc.

Mỹ tập trận rầm rộ, gửi tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc - 1

Tiêm kích tàng hình F-22 của Không quân Mỹ (Ảnh: AP).

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 20/7 cho biết, trong một động thái bất thường, Mỹ chuẩn bị điều 25 tiêm kích tàng hình tối tân F-22 tham gia cuộc tập trận ở đảo Guam và đảo Tinian ở tây Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái này rõ ràng là lời cảnh báo của Mỹ đối với Trung Quốc rằng Washington hoàn toàn có khả năng đối phó các máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo của Bắc Kinh.

Đánh giá này được đưa ra sau khi giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin về việc Lầu Năm Góc sẽ điều hàng chục tiêm kích tàng hình tối tân F-22 tham gia cuộc tập trận ở đảo Guam và đảo Tinian ở tây Thái Bình Dương như một phần trong chiến dịch Pacific Iron 2021.

Pacific Iron 2021 là hoạt động của Không quân Mỹ. Theo Bộ Tư lệnh của Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF), mục tiêu của cuộc tập trận này là triển khai các lực lượng đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và huấn luyện họ trở nên "nguy hiểm, dễ thích nghi và kiên cường hơn".

Tướng Ken Wilsbach, Tư lệnh PACAF cho hay khoảng 25 chiếc F-22 từ Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hawaii và căn cứ chung Elmendorf-Richardson ở Alaska sẽ được triển khai trong đợt này. "Chúng tôi chưa bao giờ triển khai cùng lúc nhiều chiếc F-22 như vậy trong khu vực hoạt động của PACAF", Tướng Ken Wilsbach nhấn mạnh.

Trung tướng không quân đã nghỉ hưu Dan Leaf, cựu Phó Tư lệnh PACAF và hiện là Giám đốc điều hành công ty tư vấn an ninh Phase Minus 1, cũng khẳng định Mỹ chưa từng điều một số lượng lớn máy bay F-22 như vậy trong bất kỳ cuộc tập trận nào trước đây.

Tín hiệu mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc

F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới, tích hợp công nghệ tàng hình và kết nối hệ thống cảm biến trên máy bay với hệ thống thông tin ngoài máy bay để cung cấp cho phi công thông tin chi tiết về không gian chiến đấu.

Ngoài 25 chiếc F-22 như dự kiến còn có 10 máy bay chiến đấu tấn công đa năng trong mọi thời tiết F-15E Strike Eagles và 2 máy bay vận tải C-130J Hercules, cùng hơn 800 và 800 binh sĩ thuộc PACAF và Bộ chỉ huy Tác chiến trên không tham gia cuộc tập trận Pacific Iron 2021. Các phi công diễn tập sẽ thể hiện các kỹ năng của phi công đa năng, thực hiện các hoạt động mô phỏng tác chiến.

Chuyên gia quân sự Leung Kwok-leung ở Hong Kong cho rằng, việc Lầu Năm Góc triển khai một loạt chiến đấu cơ tiên tiến như thế này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang hiện nay nhằm đối phó với các máy bay ném bom chiến lược tiên tiến của Trung Quốc, bao gồm cả các máy bay ném bom thế hệ tiếp theo của Bắc Kinh.

Máy bay ném bom chiến lược Xian H-20 thế hệ tiếp theo đầy bí ẩn của Trung Quốc được cho là có thiết kế cánh tàng hình. Nó còn dự kiến được trang bị tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường, có trọng lượng cất cánh tối đa ít nhất 200 tấn và trọng tải lên đến 45 tấn.

Thậm chí, Xian H-20 được kỳ vọng sẽ bay ở tốc độ cận âm và có khả năng bắn 4 tên lửa hành trình tàng hình với tốc độ siêu thanh và lực đẩy cực mạnh.

Thông báo về cuộc tập trận hải quân được đưa ra trong bối cảnh Washington ngày càng chú ý đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và căng thẳng Mỹ - Trung cũng ngày càng leo thang.

Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc đã đệ trình một kế hoạch được gọi là "Sáng kiến Răn đe ở Thái Bình Dương" lên quốc hội, trong đó đề xuất chi tiêu hơn 27 tỷ USD trong 6 năm tới để tăng cường năng lực quân sự trên khắp khu vực Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Ông Zhou Bo, một đại tá đã nghỉ hưu và hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm chiến lược và an ninh quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho rằng việc triển khai quy mô lớn lần này của Mỹ ở khu vực gần Trung Quốc sẽ càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

"Đây có thể được coi là một thông điệp gửi tới Trung Quốc và mặc dù cuộc diễn tập này có thể không dẫn đến bất kỳ nguy cơ xung đột mới nào nhưng nó cũng không thể xoa dịu căng thẳng trong khu vực", ông nhấn mạnh.