Mỹ tăng cường tuần tra Biển Đông
(Dân trí) - Mỹ được cho là đang tăng cường các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, một động thái cho thấy Washington có thể đang thay đổi chiến lược hiện diện ở vùng biển này.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 3/8 dẫn báo cáo của Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược ở Biển Đông (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết Mỹ đã điều 67 máy bay trinh sát cỡ lớn đến Biển Đông trong tháng 7, tăng mạnh so với 2 tháng trước đó. Các máy bay này gồm máy bay săn ngầm và tuần tra hàng hải P-8A Poseidon, máy bay trinh sát và tác chiến điện tử EP-3E và máy bay không người lái tầm cao MQ-4C. "Con số này tăng mạnh so với 35 máy bay hồi tháng 5 và 49 máy bay hồi tháng 6", SCSPI cho biết.
Theo SCSPI, cường độ triển khai các máy bay tuần tra ở Hải quân Mỹ ở Biển Đông tăng mạnh trong tháng 7. "Có 13 máy bay tuần tra đã cất cánh vào ban đêm để làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông. Chín máy bay tiếp cận khu vực 70 hải lý quanh đường cơ sở lãnh hải Trung Quốc, 6 máy bay đi vào khu vực 60 hải lý, và 1 máy bay đi vào khu vực 40 hải lý", SCSPI cho hay. SCSPI nhận định, sự thay đổi này cho thấy lập trường của Mỹ dường như thay đổi từ "ngăn chặn" sang "đối đầu".
Giám đốc SCSPI Hu Bo nhận định với Thời báo Hoàn Cầu hôm 2/8 rằng, ông lo ngại gia tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. "Trong bối cảnh quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu xảy ra bất cứ sự cố trên biển hay trên không nào, các cuộc xung đột nhiều khả năng không thể giải quyết hiệu quả dẫn đến gia tăng căng thẳng", ông Hu nói.
Chuyên gia Collin Koh của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng do quân đội Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động trên Biển Đông nên việc Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông, trong đó có các chuyến bay tuần tra, là không bất ngờ.
Mỹ tăng cường hoạt động tuần tra ở Biển Đông trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng gần đây liên quan đến hàng loạt vấn đề. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi các yêu sách này của Bắc Kinh là "phi pháp". Động thái này thể hiện lập trường cứng rắn hơn của Washington với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.