1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam về tổ chức đấu thầu đất hiếm

Quốc Đạt

(Dân trí) - Mỹ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc tổ chức đấu thầu trong lĩnh vực khai khoáng, bao gồm khai thác đất hiếm, Nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard nói.

Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam về tổ chức đấu thầu đất hiếm - 1

Nhà kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Emily Blanchard trong sự kiện chiều 25/10 (Ảnh: Quốc Đạt).

"Về phát triển tài nguyên khoáng sản…, nước Mỹ từ lâu đã có thông lệ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật ở mức nhiều nhất có thể, nếu được đề nghị", bà Blanchard nói trong buổi họp báo chiều 25/10 tại Hà Nội.

"Hỗ trợ kỹ thuật ở đây có thể và thường bao gồm việc hỗ trợ tổ chức đấu thầu để tạo ra sự quan tâm lớn nhất từ các doanh nghiệp đối tác nước ngoài tiềm năng", bà Blanchard giải thích. "Nếu Việt Nam quyết định đề nghị hỗ trợ từ chúng tôi trong việc phát triển đấu thầu, chúng tôi sẽ rất vui cung cấp sự hỗ trợ ấy".

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9, hai nước từng ký biên bản ghi nhớ về hỗ trợ xác định trữ lượng đất hiếm của Việt Nam. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới.

Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm từ nay cho đến năm 2030, theo "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

"Tôi hy vọng rằng khi quyết định phát triển khoáng sản đất hiếm, cả trong khâu khai thác và xử lý, Việt Nam sẽ thực hiện điều đó theo cách bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi lao động", bà Blanchard nói.

Tự tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, GDP năm 2023 của Việt Nam chỉ tăng trên 5%, thấp hơn mức Quốc hội giao là 6,5%, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hôm 23/10.

Dù vậy, bà Blanchard lạc quan tin tưởng vào quỹ đạo phát triển tương lai của Việt Nam.

"Quan trọng hơn hết, những động lực cơ bản của tăng trưởng GDP, cũng như của cung cầu tại Việt Nam, đều rất mạnh mẽ", vị quan chức Mỹ nói với phóng viên Dân trí, giải thích rằng những động lực ấy bao gồm đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo và môi trường quản trị.

"Trên tất cả những phương diện ấy, chúng ta đều có thể nhìn thấy đà phát triển đáng kinh ngạc mà Việt Nam đã và đang thể hiện ra, không chỉ trong lời nói mà cả về hành động", bà Blanchard nhận xét.

Nhà kinh tế trưởng cũng chỉ ra 3 yếu tố có thể giúp Việt Nam tăng cường thu hút FDI của Mỹ: Đầu tư vào con người, đầu tư lưới điện tái tạo, và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Con người chính là yếu tố thu hút nhiều công ty tới Việt Nam nên "đầu tư vào lực lượng lao động sẽ có vai trò quyết định", theo bà Blanchard.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0, khả năng họ được tiếp cận nguồn điện xanh cũng là một yếu tố nữa trong các quyết định đầu tư.

"Việt Nam càng sớm tạo ra càng nhiều nguồn năng lượng tái tạo và đấu nối chúng vào hệ thống điện để các nhà đầu tư có thể tiếp cận, điều đó theo tôi sẽ mang lại lượng lớn các khoản đầu tư", bà Blanchard nói.

Cuối cùng, nhà kinh tế trưởng Mỹ chỉ ra tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong không gian số, để họ có thể vận hành nền tảng số của mình một cách trơn tru ở mức độ khu vực và thế giới.

"Chúng ta đang bước vào thời kỳ Internet Vạn vật. Khi mua một chiếc iPhone, bạn mua không chỉ chiếc điện thoại mà còn cả dịch vụ do Apple cung cấp, như phần mềm và hệ điều hành", bà Blanchard nói. "Do đó, việc hợp tác với Việt Nam và các đối tác trên thế giới là rất quan trọng để đảm bảo doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo tại nút giao giữa cái thực và cái ảo, để tạo ra công nghệ của tương lai".