1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ rút khỏi TPP: Lộ rõ phương án thay thế

Tuyên bố rút khỏi TPP, Tổng thống Donald Trump đang thay thế các thỏa thuận đa phương bằng các hiệp định song phương.

Mỹ cam kết bảo vệ an ninh cho Nhật Bản

Trong một tuyên bố ngày 28/1, Nhà Trắng cho biết tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Theo đó, Hoa Kỳ cam kết bảo vệ an ninh cho quốc gia châu Á này cũng như đẩy mạnh hợp tác song phương, quan hệ thương mại giữa 2 nước.

“Tổng thống Trump đã khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương”, Nhà Trắng khẳng định.

Tuyên bố còn nhấn mạnh, hai bên đã thảo luận về chuyến thăm Nhật Bản dự kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Trước đó, ngày 26/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát tín hiệu đồng thời để ngỏ khả năng về một thỏa thuận thương mại song phương với Washington.

Phát biểu trước các nghị sỹ Nhật Bản tại Tokyo, ông Abe khẳng định đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ “không hoàn toàn không thể”.

“Nhật Bản đang hoàn tất thảo luận về một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Donald Trump”, hãng tin Bloomberg đưa tin.


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ an ninh cho quốc gia châu Á này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ an ninh cho quốc gia châu Á này.

Không chỉ thế, tờ báo Nhật Yomiuri ngày 26/1 còn tiết lộ, hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc điện đàm trong một vài ngày tới trước khi có cuộc gặp ở Washington vào ngày 10/2.

“Tôi muốn tăng cường năng lực phòng thủ của toàn bộ liên minh Mỹ-Nhật. Chúng ta cần nghĩ về năng lực phòng thủ của riêng mình trong bối cảnh chính sách chỉ phòng thủ của chúng ta và trong khuôn khổ của liên minh”, ông Abe nhấn mạnh.

Theo nguồn tin, vấn đề biển Hoa Đông và biển Đông sẽ được 2 bên đề cập đến trong các cuộc tiếp xúc sắp tới. Thủ tướng Abe kỳ vọng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và ông Trump sẽ minh chứng rằng mối quan hệ liên minh giữa hai nước là “không thể lay chuyển”.

Mỹ đẩy mạnh thỏa thuận song phương?

Động thái trên của Mỹ và Nhật Bản cho thấy các thỏa thuận song phương đang được tổng thống Donald Trump thúc đẩy nhằm thay thế cho hiệp định TPP được hình thành dưới thời ông Obama. Điều này phản ánh quan điểm xuyên suốt của ông Trump từ khi vận động tranh cử đến thời điểm hiện nay.

Còn nhớ ngày 20/1, chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà Trắng đã phát đi thông báo nước này sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lý do được phía Hoa Kỳ đưa ra là để bảo vệ công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Thậm chí chính quyền tổng thống Donald Trump còn tuyên bố sẽ có động thái cứng rắn đối với những quốc gia vi phạm các hiệp định thương mại đồng thời gây tổn hại đến người lao động Mỹ.


Mỹ đẩy mạnh thỏa thuận song phương thay thế hiệp định đa phương từ TPP

Mỹ đẩy mạnh thỏa thuận song phương thay thế hiệp định đa phương từ TPP

Trong tuyên bố phát đi, chính quyền tổng thống Trump nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẵn sàng tái đàm phán một hiệp định thương mại khác đó là Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết năm 1994 giữa Mỹ, Canada và Mexico.

Ngay cả trong phát biểu nhậm chức hôm 20/1, tân tổng thống cũng không ngần ngại tuyên bố: “Thời đại nói suông đã qua. Bây giờ là thời khắc hành động… Từ bây giờ trở đi, nước Mỹ sẽ là trên hết. Nước Mỹ sẽ bắt đầu chiến thắng trở lại. Chiến thắng như chưa từng chiến thắng. Chúng ta sẽ mang việc làm trở lại, đưa biên giới của chúng ta trở lại, lấy lại tài sản của chúng ta và mang cả những giấc mơ của chúng ta trở lại”.

Trước đó, trong một đoạn video được công bố ngày 21/11, ông Trump đã tuyên bố sẽ đưa ra hàng loạt quyết định trong ngày nhậm chức 20/1/2017. Trong đó, quyết định đầu tiên được ông nhắc đến là việc Mỹ rút ra khỏi TPP.

Ông Trump đã gọi TPP là một thảm hoạ tiềm năng đối với nước Mỹ đồng thời khẳng định, chính quyền mới sẽ tạo ra các thoả thuận thương mại song phương công bằng, giúp mang lại việc làm cho công dân nước này.

Không chỉ tiến hành đẩy mạnh quan hệ hợp tác với phía Nhật Bản, thời gian qua, ông Donald Trump cũng hướng sự chú ý đến Nga và Đức nhằm thực hiện các thông điệp đã tuyên bố trước đó.

Ngày 28/1, tân tổng thống Mỹ đã tiến hành cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ với người đồng cấp Nga Putin.

Nhà lãnh đạo 2 nước đã thống nhất cùng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ việc đánh bại phiến quân Hồi giáo Nhà nước IS đến các mối quan hệ kinh tế song phương.

“Cả hai bên bày tỏ sự sẵn sàng để làm cho các nỗ lực chung hoạt động ổn định và phát triển hợp tác Nga-Mỹ trên cơ sở xây dựng, công bằng và cùng có lợi đồng thời xây dựng quan hệ hợp tác đối tác trên một loạt các vấn đề quốc tế”, RT dẫn thông báo của điện Kremlin tuyên bố sau cuộc thảo luận.

Cùng ngày, ông Trump còn điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.

Rõ ràng, tân tổng thống Donald Trump đang nỗ lực để duy trì các thỏa thuận song phương thay thế cho các hiệp định đa phương với các quốc gia nhằm mục đích đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Các nước dù muốn hay không cũng không thể bỏ qua những tuyên bố cứng rắn, quyết liệt của ông Trump.

Theo Trung Dũng

Báo Đất việt