Mỹ ra “tối hậu thư” cho Nga về việc rút khỏi hiệp ước hạt nhân
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ ngừng các nghĩa vụ theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) 1987 trong vòng 60 ngày nếu Nga "không tuân thủ trở lại".
Phát biểu tại cuộc họp với ngoại trưởng các nước NATO ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết, Mỹ sẵn sàng khởi động tiến trình rút khỏi INF nếu Nga tiếp tục vi phạm thỏa thuận.
"Dựa vào thực tế, hôm nay Mỹ sẽ tuyên bố rằng đã phát hiện Nga vi phạm hiệp ước và chúng tôi sẽ rút khỏi hiệp ước trong vòng 60 ngày nếu Nga không quay trở lại tuân thủ hiệp ước. Các hành động của Nga đã tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác của Mỹ. Thật vô lý nếu Mỹ tiếp tục ở lại hiệp ước khi nó hạn chế khả năng của Washington đối phó với các vi phạm của Nga", hãng tin RT dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo.
Ông Pompeo nhấn mạnh, Nga cần phải quay lại "tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng được". Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ trong khi đó khẳng định Washington đã tuân thủ quy định và giữ đúng các cam kết quốc tế.
Phản ứng về tuyên bố này của Mỹ, NATO cho biết, hiện giờ phụ thuộc vào Nga có quyết định cứu vãn hiệp ước hay không. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo, mặc dù Nga vẫn còn cơ hội cuối cùng để tuân thủ INF, “chúng ta cũng cần sẵn sàng cho một thế giới không còn hiệp ước này”.
“Tôi rất tiếc khi chúng ta gần như chắc chắn phải chứng kiến hiệp ước INF chấm dứt, tuy nhiên chúng ta cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng theo cách mà chúng ta phải làm”, ông Stoltenberg nói.
Về phía Nga, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Hạ viện Nga Viktor Bondarev cho rằng, Moscow và Washington cần đối thoại về INF. Mặt khác, ông cũng cảnh báo, Nga có thể sẽ phải đáp trả bằng việc phát triển các loại vũ khí tối tân nếu Mỹ rút khỏi INF.
"Chúng tôi cho rằng việc tuân thủ INF là cần thiết, và ủng hộ việc duy trì hiệp ước. Đây là quan điểm chính thức của Nga. Tuy nhiên, nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước, chúng tôi sẽ phải đáp trả bằng hàng loạt biện pháp, trong đó có thúc đẩy việc phát triển và đưa vào biên chế các loại vũ khí tối tân".
Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ, yêu cầu loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa thường tầm ngắn và tầm trung từ 500km đến 5.500km của cả hai quốc gia. Tổng thống Trump cảnh báo rút khỏi INF hồi tháng 10. Ngay sau tuyên bố của Washington, Moscow cảnh báo buộc phải khôi phục cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước này.
Minh Phương
Theo RT