1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ "quay xe" về lệnh ngừng bắn ở Gaza

Quốc Đạt

(Dân trí) - Mỹ được cho là ngừng phản đối lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Gaza và đã đề xuất nghị quyết Liên Hợp Quốc kêu gọi Israel hủy bỏ cuộc tấn công vào thành phố Rafah mà họ cho là pháo đài cuối cùng của Hamas.

Mỹ quay xe về lệnh ngừng bắn ở Gaza - 1

Xe tăng Israel cơ động dọc biên giới với Dải Gaza vào ngày 19/2 (Ảnh: AFP).

Dự thảo nghị quyết cho biết, kế hoạch tấn công Rafah sẽ gây tổn hại cho dân thường, khiến nhiều cư dân Gaza phải dời bỏ nơi ở, và có khả năng đẩy nhiều người chạy sang Ai Cập, Reuters đưa tin dựa trên bản thảo họ được xem.

Chiến dịch nhắm vào Rafah của Israel "sẽ có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực", theo dự thảo. Vì thế, dự thảo nhấn mạnh rằng cuộc tấn công trên bộ với quy mô lớn như vậy "không được tiến hành trong hoàn cảnh hiện tại".

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc trước đây từng phản đối yêu cầu ngừng bắn trong cuộc chiến Hamas - Israel và đã 2 lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 10/2023.

Đề xuất mới của phái đoàn Mỹ được đưa ra nhằm đáp lại dự thảo nghị quyết khác của phái đoàn Algeria yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, nghị quyết của Algeria có thể gây tổn hại đến "các cuộc đàm phán nhạy cảm" về việc tạm dừng giao tranh.

Bà Thomas-Greenfield ngày 19/2 cảnh báo, Mỹ sẽ phủ quyết nghị quyết của Algeria nếu nó được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an hôm 20/2.

Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 1,4 triệu người Gaza đang sống chen chúc tại Rafah, thành phố ở cực nam của Dải Gaza, sau khi họ mất nhà cửa do các cuộc oanh tạc của Israel. Trước khi Israel mở chiến dịch tại Gaza, Rafah có dân số khoảng 280.000 người.

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng chiến dịch Rafah theo như kế hoạch của Israel sẽ gây ra "hậu quả nhân đạo nghiêm trọng". Hàng chục quốc gia châu Âu đã đưa ra cảnh báo tương tự vào ngày 19/2, theo sau các nước như Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Australia, Canada và New Zealand.

Trong khi công khai ủng hộ và cung cấp vũ khí cho Israel, ông Biden được cho là đã mâu thuẫn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nơi hậu trường.

Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu vào tuần trước, ông Biden đã "nhắc lại quan điểm của mình rằng không được tiến hành chiến dịch quân sự nếu không có kế hoạch đáng tin cậy và khả thi để đảm bảo an toàn và hỗ trợ cho dân thường ở Rafah".

Reuters cho biết, nghị quyết của Liên Hợp Quốc do chính quyền ông Biden đề xuất cũng sẽ lên án mọi nỗ lực nhằm thu hẹp vùng lãnh thổ Gaza hoặc cho phép người định cư Israel vào vùng đất này.

Theo Reuters, RT