1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ, Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung "cuối cùng" dưới thời Tổng thống Duterte

(Dân trí) - Philippines và Mỹ hôm nay (4/10) bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Philippines có nhiều biến động kể từ khi ông Duterte nhậm chức.


Các binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận (Ảnh: AFP)

Các binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận (Ảnh: AFP)

Theo AFP, khoảng 2.000 binh sĩ của cả hai nước sẽ tham gia cuộc tập trận, trong đó có tại các vùng biển gần các “điểm nóng” ở Biển Đông. Cuộc tập trận chung dự kiến diễn ra từ ngày 4-12/10 trên các đảo Luzon và Palawan của Philippines.

Trước khi cuộc tập trận bắt đầu, Tổng thống Philippines đã tuyên bố đây sẽ là cuộc tập trận chung cuối cùng giữa Mỹ và Philippines. “Tôi muốn thông báo với phía Mỹ rằng đây sẽ là cuộc tập trận quân sự cuối cùng. Cuộc tập trận chung cuối cùng giữa Mỹ và Philippines”, ông Duterte nói trước cộng đồng người Philippines tại Hà Nội tối ngày 28/9 nhân chuyến thăm Việt Nam.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ có nguy cơ bị “tống khứ” khỏi quốc gia Đông Nam Á trong khi nhà lãnh đạo nước này xích lại gần Trung Quốc.

Những thay đổi lớn trong chính sách với Mỹ

Tổng thống Duterte đã phát động cuộc tấn công bằng ngôn từ nhằm vào Mỹ, một đối tác quốc phòng hiệp ước, kể từ khi nhậm chức hôm 30/6. Ngoài tuyên bố rằng cuộc tập trận chung hôm nay sẽ là cuộc tập trận cuối cùng trong nhiệm kỳ 6 năm của ông, Tổng thống Duterte còn đe dọa ủy một hiệp ước quốc phòng được ký kết dưới thời người tiền nhiệm, nhằm cho phép Mỹ hiện diện nhiều hơn tại Philippines để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Tốt hơn là hãy suy nghĩ 2 lần vì tôi sẽ yêu cầu các bạn (Mỹ) rời khỏi Philippines”, ông Duterte phát biểu hôm 2/10.

Tuần trước, ông Duterte, 71 tuổi, cũng khẳng định CIA đã âm mưu ám sát ông.

Tổng thống Philippines còn từng buông lời lăng mạ người đồng cấp Mỹ Barack Obama sau khi được cho biết rằng nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến nêu các lo ngại về nhân quyền liên quan tới cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte trong một cuộc gặp dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo.

Trước đó, ông Duterte đã thông báo rằng quân đội Mỹ phải rời khỏi căn cứ ở Mindanao, nơi họ trợ giúp chiến đấu với các phiến quân tại khu vực bất ổn của Philippines.

Ông Duterte còn tuyên bố chấm dứt các cuộc tuần tra của Philippines ở Biển Đông, ngoài lãnh hải 12 hải lý, trong đó có việc chấm dứt các cuộc tuần tra chung với Mỹ ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, bao gồm các vùng biển gần Philippines và các quốc gia Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông có khả năng đón các căn cứ quân sự.

Để đối phó với Trung Quốc, người tiền nhiệm của ông Duterte là cựu Tổng thống Benigno Aquino đã tìm cách xích lại gần Mỹ, trong đó có việc ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mà giờ đây ông Duterte muốn hủy bỏ.

Ông Duterte dường như lại có lập trường đối lập khi có bác tuyên bố quay lưng với Mỹ và xích lại gần Trung Quốc. Ông Duterte gần đây tuyên bố ông hi vọng sớm tới thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cựu Tổng thống Aquino cũng phát động một hành động pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc, trong đó tòa trọng tài hồi tháng 7/2016 đã tuyên bố rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông là phi pháp. Nhưng ông Duterte lại từ chối dùng phán quyết trên để gây sức ép với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các bình luận của ông Duterte hiện chưa trở thành các chính sách của chính phủ Philippines và hiện chưa rõ quan hệ giữa Manila với Washington sẽ tổn hại tới mức nào vì những bình luận đó.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm