1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines ngày càng "mong manh"

Tổng thống Philippines không ngần ngại công khai ý định thách thức giới hạn của liên minh mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ví von là được “bọc thép”.

Philippines tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc?

Reuters ngày 2/10 dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc khi ông phàn nàn với họ về Mỹ. Tuyên bố của ông Duterte được cho là sẽ gây thêm sóng gió cho mối quan hệ đồng minh ngày càng trở nên “mong manh” giữa hai nước.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: ABS-CBN News)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: ABS-CBN News)

Ông Duterte nói rằng, trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 ở Lào tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng tình với ông khi ông có những lời lẽ chỉ trích Mỹ.

Reuters dẫn lời Tổng thống Duterte nói trong một bài phát biểu: “Tôi đã gặp Thủ tướng Medvedev. Tôi nói với ông ấy tình hình là họ (Mỹ) đã đẩy tôi vào tình huống khó xử, họ không tôn trọng tôi, họ không biết xấu hổ. Ông Medvedev trả lời rằng, đó chính là người Mỹ và chúng tôi sẽ giúp các bạn”.

Sự giận dữ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với Mỹ đã và đang gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, ông sẽ nêu quan ngại về cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở Philippines.

Căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm khi Nhà Trắng hủy bỏ một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 ở Lào sau khi ông Duterte gọi Tổng thống Mỹ là “đồ khốn”.

Cũng trong tuyên bố được đưa ra ngày hôm qua (2/10). Tổng thống Duterte cho biết, ông cũng bày tỏ sự không hài lòng về Mỹ với Trung Quốc. Theo ông Duterte, phía Trung Quốc cho rằng Philippines sẽ không được hưởng lợi nếu đứng về phía Mỹ. Tuy vậy, vẫn chưa rõ ông Duterte đã nêu vấn đề này với quan chức nào của Trung Quốc cũng như thời điểm ông đưa ra nhận xét nói trên.

Trong các phát biểu gần đây, ông Duterte thường xuyên nói rằng ông có kế hoạch để xây dựng liên minh mới với Nga và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Động thái này được coi như một phần nỗ lực của Tổng thống Duterte theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.

Một số nguồn tin ngoại giao và thương mại xác nhận với Reuters rằng, một phái đoàn doanh nghiệp Philippines sẽ tháp tùng Tổng thống Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19-21/10.

Hợp tác Quốc phòng Mỹ - Philippines trước thách thức “nghiêm trọng”

Trong một “đòn đánh” khác nhằm vào Washington, cùng ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông sẽ chỉ thị xem xét lại Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA)- hiệp ước quốc phòng được Washington và Manila ký kết hồi năm 2014.

Binh sỹ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh: EPA)
Binh sỹ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh: EPA)

Phát biểu tại Bacolod, miền Trung Philippines, Tổng thống Duterte nói: “Tôi nhắc lại cho người Mỹ biết rằng, EDCA là một văn bản chính thức, nhưng nó chỉ được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin ký. Nó không có chữ ký của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno Aquino. Ông Aquino đã không ký thỏa thuận”.

Ông Duterte cảnh báo: “Chúng tôi sẽ rút (khỏi thỏa thuận) sau khi xem xét văn bản và nếu tôi tìm ra rằng không có chữ ký... nếu không có một chữ ký trao quyền tiến hành các cuộc tập trận”.

Tuyên bố của ông Duterte cho thấy, nhà lãnh đạo Philippines không ngần ngại công khai ý định thách thức giới hạn của một liên minh mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter từng ví von là được “bọc thép”.

Điều đáng nói ở chỗ, hồi tháng 1/2016, Tòa án tối cao Philippines đã ra phán quyết cho rằng, EDCA là hợp Hiến.

Nhận xét của ông Duterte được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông tuyên bố, cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines bắt đầu từ tuần này sẽ là cuộc tập trận chung “cuối cùng” giữa hai nước.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) được hai bên ký kết chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm Philippines hồi năm 2014. Thỏa thuận này cho phép quân đội Mỹ xây dựng các cơ sở lưu trữ phục vụ mục đích đảm bảo an ninh hàng hải, các hoạt động nhân đạo và ứng phó thảm họa.

Nó cũng cung cấp cho lực lượng Mỹ quyền truy cập rộng rãi tới các căn cứ quân sự của Philippines.

Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Duterte, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết liên minh đã có và hy vọng Philippines cũng làm như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Philippines để giải quyết bất kỳ mối quan tâm nào của họ”.

Theo đánh giá của giới phân tích, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) là một phần trong những nỗ lực để kiềm chế Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng các hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế để thúc đẩy lợi ích của mình ở Biển Đông.

Nhận định về tầm quan trọng của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường với Philippines, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng, EDCA là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, mang nhiều ý nghĩa. Nếu EDCA bị dừng lại thì điều này sẽ gây trở ngại lớn cho “chính sách xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN