1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ phát triển công nghệ biến binh sĩ thành “siêu nhân”

(Dân trí) - Lục quân Mỹ đang đầu tư hàng triệu USD vào công nghệ khung xương trợ lực (Exoskeleton) để hỗ trợ các binh sĩ chiến đấu mạnh mẽ và uy lực hơn, hướng tới mục tiêu tạo nên một thế hệ “siêu quân nhân”.

Một nguyên mẫu của thiết bị khung xương trợ lực (Ảnh: Lockheed)
Một nguyên mẫu của thiết bị khung xương trợ lực (Ảnh: Lockheed)

Theo Reuters, công nghệ khung xương trợ lực là thiết bị đặc biệt có khả năng tăng cường sức mạnh và khả năng của con người thông qua bộ giáp đeo lên trên cơ thể.

Hiện thời, nhà thầu quân sự Lockheed Martin đang đảm trách việc phát triển công nghệ trên dựa vào giấy phép sở hữu trí tuệ của B-TEMIA - một công ty của Canada. Ban đầu, B-TEMIA sáng chế ra công nghệ khung xương trợ lực nhằm hỗ trợ cho mục đích y khoa, hỗ trợ chức năng vận động cho các bệnh nhân mắc bệnh xương khớp nghiêm trọng.

Người dùng sẽ đeo một thiết bị, có gắn khung xương chạy bằng pin được trang bị hệ thống cảm biến, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác để đảm bảo các cử động tự nhiên nhất có thể.

Theo Reuters, quân đội Mỹ muốn ứng dụng công nghệ trên vào thực chiến.

Có một thực tế là các binh sĩ Mỹ hiện được trang bị nhiều công nghệ hiện đại và quan trọng như áo giáp kim loại, kinh nhìn ban đêm và hệ thống radio. Tổng khối lượng của toàn bộ các thiết bị này rơi vào tầm 40-64kg, trong khi mức giới hạn được giới chuyên gia khuyến nghị là không vượt quá 23kg. Ông Paul Scharre từ trung tâm an ninh CNAS (Mỹ) nói rằng với khối lượng hiện tại, các binh sĩ Mỹ có thể nhanh mệt mỏi vì phải “cõng” trên người một khối lượng lớn khi tác chiến.

Vì vậy, Mỹ vừa muốn giảm bớt gánh nặng cho binh sĩ vừa muốn tăng cường thêm sức mạnh trong thực chiến khi phát triển dự án trên. Nhìn xa hơn, Washington muốn tạo nên một lực lượng “siêu quân nhân”, tức là những binh sĩ có sức mạnh như “siêu nhân” khi tham chiến với đối thủ.

(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Lockheed Martin ngày 29/11 nói rằng họ đã nhận được hợp đồng trị giá 6,9 triệu USD từ Lục quân Mỹ để nghiên cứu và phát triển khung xương di động cho binh sĩ, hay còn gọi là ONYX. Dự án kéo dài trong 2 năm.

Ông Keith Maxwell, giám đốc kỹ thuật của chương trình khung xương trợ lực tại Lockheed Martin, cho biết rằng các thử nghiệm ban đầu cho thấy những người mang ONYX có sức chịu đựng tốt hơn và không bị kiệt sức.

Theo Lockheed Martin, hệ thống sẽ tăng cường sức mạnh của đôi chân các quân nhân trong các nhiệm vụ yêu cầu nâng vác vật nặng, cầm giữ các công cụ và thiết bị, liên tục khuỵu gối, ngồi xổm, trườn bò hoặc hành quân đường dài, lên xuống địa hình dốc cao hoặc cầu thang.

“Khi sức mạnh của con người chỉ có giới hạn, khung xương trợ lực sẽ làm nên sự khác biệt, làm giảm mệt mỏi về cơ bắp, giảm thương vong và tăng sức chịu đựng”, hãng chế tạo tuyên bố.

Ông Maxwell đã giới thiệu một nguyên mẫu của bộ đồ này và cho biết mỗi bộ ONYX có giá khoảng vài chục nghìn USD. Riêng hệ thống Keeogo của B-TEMIA có giá khoảng 30.000 USD ở Canada, theo Reuters.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang quan tâm tới công nghệ khung xương trợ lực. Chuyên gia Samuel Bendett của trung tâm Phân tích Hải quân cho biết Nga và Trung Quốc cũng đang đầu tư vào công nghệ hiện đại trên.

Theo ông Bendett, Nga đã phát triển một vài phiên bản của khung xương di động, bao gồm một hệ thống đã được mang đi thử nghiệm ở chiến trường Syria.

Đức Hoàng

Tổng hợp