Binh sĩ Nga thành siêu nhân với bộ trang phục Ratnik-3
Ngoài hệ thống quan sát, giáp bảo vệ, định vị, dẫn đường...trên Ratnik, binh sĩ Nga có thể trở thanh siêu chiến binh với Ratnik-3 khi được tích hợp công nghệ Exoskeleton.
Kế hoạch của Nga
Theo Tư lệnh Lục quân Nga - Tướng Oleg Salyukov, các nhà chế tạo của Nga đang phát triển hệ thống tác chiến Ratnik thế hệ 3 cho binh sỹ Nga trong tương lai.
Ratnik thế hệ 3 sẽ được bổ sung các công cụ sinh hóa, trong đó có hệ thống hỗ trợ vận động kiểu Exoskeleton, Tướng Oleg Salyukov cho biết.
Theo tuyên bố của Tướng Oleg Salyukov hệ thống Ratnik-3 sau khi được chế tạo sẽ vượt trội các hệ thống tác chiến cá nhân của quân đội nước ngoài.
Binh sỹ Nga thử nghiệm với trang phục Ratnik.
Hiện nay, khoảng 80.000 quân nhân Nga đang được trang bị và sử dụng hệ thống tác chiến cá nhân Ratnik thế hệ 2 trong năm 2015, Tướng Oleg Salyukov cho biết.
Ratnik là bộ quân trang thế hệ mới của quân đội Nga, còn được gọi là trang phục của chiến binh tương lai. Ratnik tập hợp khoảng 50 trang, thiết bị khác nhau, bao gồm vũ khí, hệ thống quan sát, giáp bảo vệ, thông tin liên lạc, định vị, dẫn đường, cấp cứu và hệ thống ngắm bắn mục tiêu…
Theo giới thiệu, Ratnik cho phép bảo vệ đến 90% bề mặt cơ thể người lính và có khả năng bảo vệ cao hơn 70% so với các áo giáp thế hệ trước.
Ratnik cũng có khả năng điều chỉnh để phù hợp với nhiều nhiệm vụ khác nhau như lính bộ binh thông thường, lính chống tăng, xạ thủ súng máy, lái xe và trinh sát.
Siêu chiến binh với công nghệ exoskeleton
Việc được tích hợp công nghệ exoskeleton lên bộ trang phục Ratnik có thể biến binh sỹ Nga thành những siêu chiến binh bởi theo những thông tin ban đầu được tiết lộ những thiết bị như exoskeletons sẽ giúp binh lính vác thêm được 200-300kg, “chuyển động, nhảy cao nhảy xa và ném các đồ vật nặng”.
Để làm được điều này, các khung xương trợ lực lặp lại hoàn toàn cơ chế cơ-sinh của con người nhưng tăng cường sức mạnh theo tỷ lệ thuận khi vận động. Exoskeleton được sử dụng chủ yếu trong mục đích quân sự.
Mục tiêu của các dự án chế tạo Exoskeleton là tạo ra một “vỏ bọc” giúp tăng tốc độ, tính cơ động và sức mạnh của con người, ngoài ra Exoskeleton còn có tác dụng như một bộ giáp bảo vệ binh sỹ.
Binh sỹ Mỹ thử nghiệm với Exoskeleton.
Hiện nay, Nga đã khởi động chương trình chế tạo Exoskeleton. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản bởi yêu cầu đặt ra là phải chế tạo một thiết bị thích hợp với rất nhiều tình huống tác chiến khác nhau và song song với đó là không làm giảm khả năng cơ động của binh sỹ.
Phương án tối ưu nhất được đưa ra là Exoskeleton phải thay thế được hoàn toàn tứ chi của binh sỹ, ngoài ra phải cho phép mang theo mình một tải trọng khoảng 95% khả năng mang vác của con người. Thêm vào đó, Exoskeleton phải kết hợp hài hòa với cơ thể con người, và thực hiện tất cả các ý định và mệnh lệnh của người mang.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất hiện nay đối với việc chế tạo các Exoskeleton là việc tìm kiếm nguồn năng lượng thích hợp để cung cấp cho hoạt động của chúng trong một khoảng thời gian tương đối dài.
Nhiệm vụ kéo dài thời gian hoạt động liên tục của các Exoskeleton là cực kỳ quan trọng bởi trong điều kiện thực chiến, trong các vùng rừng núi, sa mạc…việc “sạc pin” cho chúng là điều không thể thực hiện được.
Theo Hòa Sơn
Đất Việt