Mỹ nói 80.000 binh sĩ Nga vẫn áp sát biên giới Ukraine
(Dân trí) - Lầu Năm Góc cho biết Nga vẫn duy trì khoảng 80.000 quân tại biên giới với Ukraine, dù Moscow đã cam kết hạ nhiệt căng thẳng.
New York Times ngày 5/5 dẫn lời các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, gần 80.000 lính Nga vẫn ở bám trụ tại nhiều dải biên giới của nước này với Ukraine. Đây vẫn là đợt triển khai quân lớn nhất của Nga ở biên giới với Ukraine, kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Theo các quan chức Mỹ, quân đội Nga đã lệnh cho một số đơn vị trở về doanh trại trước ngày 1/5 và họ đã di chuyển khỏi biên giới. Tuy nhiên nhiều đơn vị vẫn để lại xe tải và xe bọc thép, một tín hiệu cho thấy họ có thể quay trở lại nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định triển khai quân một lần nữa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/5 cho biết ông "hy vọng và kỳ vọng" rằng ông sẽ gặp Tổng thống Putin trong chuyến công du châu Âu vào tháng 6 tới để dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ.
Các quan chức Mỹ cho biết họ coi sự hiện diện lâu dài của quân đội Nga ở biên giới Ukraine là thông điệp từ Tổng thống Putin rằng Nga có thể sánh ngang, thậm chí áp đảo lực lượng quân sự của NATO tham gia cuộc tập trận ở châu Âu.
Cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu, mang tên Defender Europe, đã chính thức bắt đầu hôm 4/5. Khoảng 28.000 quân Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ tham gia cuộc tập trận trong 2 tháng tại Albania và các khu vực khác của Đông Âu - trước cửa ngõ của Nga. Trong tháng tới, NATO cũng dẫn đầu một cuộc tập trận khác, mang tên Steadfast Defender 21, ở Romania và Bồ Đào Nha.
Giới phân tích quân sự nhận định việc triển khai quân của Nga rõ ràng nhằm phô diễn sức mạnh quân sự, đặc biệt là trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ. Các quan chức Mỹ cho rằng ông Putin có thể đang tìm cách để "thử" quyết tâm của ông Biden. Nhưng điều nguy hiểm là bất kỳ động thái tập trung quân sự nào cũng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn.
"Đối với tất cả chiến lược có chủ ý, luôn có nguy cơ xảy ra sai sót, các tín hiệu bị hiểu nhầm. Một máy bay có thể bị bắn hạ. Chuyện gì đó có thể xảy ra", Ian Lesser, Phó chủ tịch Quỹ German Marshall, nhận định.
Nga triển khai nhiều khí tài và binh sĩ tới khu vực gần biên giới với Ukraine từ cuối tháng 3. Sau cuộc tập trận, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút lực lượng.
Các quan chức Mỹ cho biết họ vẫn không chắc chắn mục đích chính xác của ông Putin khi tăng quân dọc biên giới Ukraine, cũng như việc Nga không tuân thủ hoàn toàn cam kết rút quân. Sự mơ hồ đó có thể là một phần trong tính toán của nhà lãnh đạo Nga.
"Họ (Nga) vẫn giữ lại một lực lượng khá lớn trong khu vực và chỉ rút một số lực lượng", Thiếu tướng Michael S. Repass, cựu chỉ huy lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ ở châu Âu và hiện là cố vấn tác chiến đặc biệt của NATO tại Ukraine, cho biết.
"Điều đó cho thấy họ có thể muốn quay lại vào thời điểm và hoàn cảnh có lợi hơn cho Nga. Điều này sẽ xảy ra một lần nữa", Tướng Repass dự báo.
Một số quan chức Mỹ nói rằng việc Nga triển khai quân về cơ bản nhằm mục đích "nắn gân" Mỹ và châu Âu, đồng thời để cảnh báo Ukraine về sự hạn chế trong khả năng hỗ trợ của phương Tây.
Nga có thể đã đạt được mục tiêu trên. Mỹ tuyên bố chuẩn bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và lên tiếng ủng hộ Ukraine. Nhưng chính quyền của ông Biden vẫn không thực hiện các bước để đưa Ukraine trở thành thành viên NATO hoặc tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Ukraine.