1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ nỗ lực giúp Ukraine củng cố hệ thống phòng không

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ và các nước phương Tây đang nỗ lực tăng cường viện trợ, nhằm "vá" các tuyến phòng thủ của Ukraine để giúp Kiev chống chọi lực lượng không quân Nga, vốn rất mạnh và gần như còn nguyên vẹn.

Mỹ nỗ lực giúp Ukraine củng cố hệ thống phòng không - 1

Mỹ cung cấp tên lửa đất đối không Sea Sparrow của NATO cho các bệ phóng Buk thời Liên Xô của Ukraine (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Mỹ và các quốc gia đồng minh đang nỗ lực để củng cố hệ thống phòng không của Ukraine cho cuộc phản công sắp tới sau làn sóng tấn công tên lửa kinh hoàng của Nga khiến kho dự trữ tên lửa phòng không của Kiev bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cho đến nay, thực tế thì chưa bên nào có thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine trong suốt cuộc chiến tàn khốc vốn đã bước sang năm thứ hai.

Vì vậy, theo các chuyên gia, sự thành công của chiến dịch phản công sắp tới theo kế hoạch của Ukraine phụ thuộc vào năng lực của Kiev trong việc ngăn không cho các máy bay chiến đấu của Nga oanh tạc nhằm vào lực lượng quân đội và cơ sở hạ tầng.

Theo giới phân tích, thành bại của Ukraine phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn máy bay chiến đấu Nga. "Việc không để cho máy bay Nga tự do hoạt động trên bầu trời Ukraine là điều kiện tiên quyết cho mọi thành công của Ukraine trong toàn bộ cuộc chiến", Ian Williams, tác giả của một báo cáo mới về các cuộc tấn công tên lửa của Nga được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố hôm 5/5, cho biết.

Các tài liệu của Lầu Năm Góc được công bố vào tháng 2 và rò rỉ trên mạng xã hội hồi tháng trước đã cảnh báo rằng, các máy bay chiến đấu của Nga có thể xâm nhập không phận Ukraine trong bối cảnh Kiev đã cạn sạch tên lửa đất đối không SA-10 và SA-11 vào mùa xuân này. Bởi vì đây là những vũ khí có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao trên 6.000 m.

Các quan chức Mỹ lạc quan cho rằng, họ đã có thêm thời gian bằng cách cung cấp các hệ thống cũ hơn do chính mình sản xuất, thu thập các tên lửa thời Liên Xô và huấn luyện người Ukraine cách bắn tên lửa một cách chọn lọc hơn.

Ukraine đang cố gắng thuyết phục phương Tây cung cấp F-16, máy bay chiến đấu phản lực hiện đại có khả năng di chuyển với tốc độ gấp đôi âm thanh. Theo Kiev, chỉ có F-16 mới giúp tạo ra sự khác biệt trong chiến tranh.

Mỹ đang hợp tác với 7 quốc gia, trong đó có Thụy Điển và Tây Ban Nha, để cung cấp hệ thống phòng không I-HAWK do nước này sản xuất cho Ukraine. Lầu Năm Góc cũng đã ứng biến bằng cách cung cấp tên lửa chống hạm Sea Sparrow cho các bệ phóng Buk mà Ukraine có từ thời Liên Xô. Đây là một phương án mà các quan chức Washington gọi là "FrankenSAM".

Mỹ, Na Uy và Đan Mạch cũng đang gửi các tên lửa không đối không AMRAAM để sử dụng cho các bệ phóng phòng không NASAM của Ukraine, theo các tài liệu bị rò rỉ.

Trong khi đó, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ cung cấp cho Ukraine cùng với các thiết bị quân sự khác đã đình chỉ hoạt động chờ phục vụ chiến dịch phản công sau này.

Thách thức quá lớn với Ukraine

Bất chấp những nỗ lực đảm bảo cung cấp tên lửa phòng không từ Mỹ và phương Tây, Ukraine phải đối mặt với một thách thức ghê gớm.

Kiev vừa phải bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đồng thời phải đảm bảo quân đội đủ vũ khí để phản công. Nếu kho tên lửa của Ukraine không được bổ sung đầy đủ thì "hành động cân bằng này sẽ trở nên khó khăn hơn", báo cáo của CSIS cho biết.

Trong số nhiều lợi thế của mình so với Ukraine, Nga có thể phóng tên lửa từ các địa điểm nằm ngoài tầm bắn của hỏa lực Ukraine, từ lãnh thổ hoặc tàu của chính họ trên biển Đen.

Mặc dù Moscow đã mất hơn 70 máy bay trong cuộc xung đột, nhưng hầu hết lực lượng không quân của họ vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, Nga cũng nắm giữ một kho dự trữ lớn bom không điều khiển mà họ có thể thả xuống Ukraine nếu hệ thống phòng không của Kiev chùn bước.

Ukraine bắt đầu cuộc chiến với một trong những mạng lưới tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới, di sản từ thời Liên Xô, bao gồm hơn 30 tiểu đoàn hệ thống tầm xa S-300, ông Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow nhận định. 

Hiện các quan chức Mỹ kêu gọi quân đội Ukraine liên tục di chuyển các bệ phóng tên lửa để hạn chế rơi vào tầm ngắm của Moscow, theo ông Sam Charap, chuyên gia về Nga và Ukraine tại RAND Corporation (Mỹ).

Khi trận chiến diễn ra, các vệ tinh và máy bay giám sát do quân đội phương Tây và NATO điều khiển đã cung cấp cho Ukraine cảnh báo sớm về các chuyến bay và vụ phóng tên lửa của Nga. Ông Charap cho hay, điều này cho phép các khẩu đội phòng không của Ukraine kịp thời bật và tắt hệ thống radar để tránh bị Nga phát hiện.

Phía Ukraine cũng được hưởng lợi từ chiến thuật và huấn luyện chưa hiệu quả của Không quân Nga. Mặc dù có số lượng và công nghệ vượt trội, các phi công Nga vẫn chưa đạt thành tích đáng kể trên chiến trường. 

Theo các chuyên gia, tính hiệu quả của hệ thống phòng không trên mặt đất của Ukraine đã góp phần cản bước không quân Nga. Tuy nhiên, một số tài liệu được cho là bị rò rỉ của Mỹ gần đây đã xác nhận việc Ukraine đang cạn kiệt vũ khí phòng không, làm dấy lên nhiều lo ngại cho sự thành công của chiến dịch phản công sắp tới.

Theo Wall Street Journal