1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ, Nhật Bản và Australia “thách thức” tuyên bố vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Quân đội Mỹ đã triển khai thêm tàu chiến ở Biển Đông và tuyên bố thách thức những động thái của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở vùng biển này. Trong khi đó, giới chức Nhật Bản, Australia cũng bày tỏ những lo ngại về an ninh tại Biển Đông.

Hãng tin South China Morning Post ngày 26-4 cho biết, chính quyền Washington khẳng định rằng, họ sẽ thực hiện chiến dịch chống lại những tuyên bố vô lý ở Biển Đông của Trung Quốc.

Trước mắt, Mỹ sẽ điều thêm tàu chiến và máy bay quân sự tới vùng biển này, cùng với các quốc gia đồng minh trong khu vực thực hiện tập trận và các cuộc tuần tra mới trong những vùng biển quốc tế quanh Biển Đông.

Cũng theo hãng South China Morning Post thì hôm 19-4, trong một báo cáo về tình hình tranh chấp biển ở châu Á - Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc chỉ rõ rằng, quân đội Mỹ trong tài khoá 2015 đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải.

Báo cáo còn nhấn mạnh, những tuyên bố (chủ quyền) trên biển quá đáng của Trung Quốc gồm các đường ranh giới vô lý, quyền tài phán đối với không phận ở phía trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vốn rộng hơn nhiều so với lãnh hải của Trung Quốc và hạn chế máy bay nước ngoài bay qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông hồi năm 2013.

Tàu USS Curtis Wilbur của Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.
Tàu USS Curtis Wilbur của Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, hải quân Mỹ sẽ được tăng cường ở khu vực này và Mỹ cũng cam kết hợp tác với Philippines trong vấn đề Biển Đông. Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris thì tiếp tục bày tỏ những quan ngại về việc Trung Quốc đang âm mưu xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Điều này, theo Đô đốc Harry Harris là không thể chấp nhận và cần phải được ngăn chặn ngay lập tức.

Trong khi đó, báo giới Mỹ và một số chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa thì cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cần phải “mạnh tay” hơn trong vấn đề Biển Đông và thách thức của Trung Quốc đối với quyền lực của Mỹ tại châu Á sẽ là phép thử của Tổng thống kế nhiệm.

Gần đây, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo mà nước này chiếm đóng tại các vùng biển có tranh chấp, đặc biệt là việc cho thử nghiệm đường bay trên Đá Chữ Thập và triển khai một hệ thống tên lửa tối tân tại đảo Phú Lâm. Hành động quân sự hóa này đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh, đối tác tại khu vực Thái Bình Dương.

Một số tờ báo khác thì đăng tải thông tin rằng Trung Quốc đang có ý định xây dựng một đội tàu có chức năng như các nhà máy điện hạt nhân có khả năng di chuyển trên mặt nước ở Biển Đông và cảnh báo, việc này sẽ gây quan ngại lớn về khả năng xuất hiện tai nạn hoặc sự cố trong quá trình hoạt động.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đẩy nhanh quá trình thành lập một tiền đồn mới ở khu vực cách bờ biển Philippines khoảng 230km trong bối cảnh Mỹ và Philippines đẩy mạnh tăng cường hợp tác quân sự cũng là một thách thức không nhỏ.

Đồng quan điểm với những lo ngại của giới chức Mỹ, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Australia Leo Davies cho rằng nước này cần nhìn nhận việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự là một “diễn biến tự nhiên”, trong bối cảnh liên minh chiến lược giữa hai nước phải đương đầu với căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong bài phát biểu trước doanh nghiệp trong nước khuyến cáo, Trung Quốc đang khiến thế giới “lo ngại” vì hành động bành trướng và tăng cường hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Vì thế, trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 29-4, ông sẽ đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề này.

Theo Sông Thương

Công an nhân dân