1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Nga đặt "chướng ngại vật" ngáng đường tiêm kích tàng hình Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ - Nga có các động thái khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc khắc phục điểm yếu cố hữu trên dòng tiêm kích J-20: thiếu động cơ đủ uy lực.

Mỹ - Nga đặt chướng ngại vật ngáng đường tiêm kích tàng hình Trung Quốc - 1

Tiêm kích tàng hình J-20 (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Theo Eurasian Times, vấn đề động cơ cho máy bay quân sự luôn là điểm yếu cố hữu của quân đội Trung Quốc trong những năm qua. Họ không thể tự chủ được công nghệ động cơ đủ mạnh và khiến các máy bay không hiệu quả như mong muốn.

Với dòng tiêm kích J-20, nhu cầu của Trung Quốc với các động cơ chất lượng cao là rất lớn và họ được cho đã tìm cách để khắc phục như muốn mua động cơ Nga, hoặc tính cách thâu tóm một công ty sản xuất động cơ máy bay của Ukraine.

Tuy nhiên, tuần qua, Trung Quốc đã đón nhận một tin không vui khi Ukraine tuyên bố kế hoạch quốc hữu hóa công ty sản xuất động cơ máy bay Motor Sich - nơi nhà đầu tư Trung Quốc Skyrizon Aviation hiện được cho đã nắm tới 75% cổ phần.

Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 1 đã đưa Skyrizon Aviation vào "danh sách đen" và "tố" công ty này có các khoản đầu tư "săn mồi và mua lại công nghệ ở Ukraine". Washington cáo buộc động thái của Skyrizon thể hiện "rủi ro không thể chấp nhận được" vì công nghệ thâu tóm từ Motor Sich có thể được chuyển sang mục đích quân sự phục vụ cho Trung Quốc.

Motor Sich được coi là doanh nghiệp sản xuất động cơ hàng không lớn nhất hoạt động từ thời Liên Xô. Nó sản xuất động cơ cho tên lửa, trực thăng và máy bay phản lực. Motor Sich có thể tạo ra 28 loại động cơ khác nhau cho hàng loạt các dòng trực thăng và máy bay quân sự. Motor Sich có lẽ là một trong số ít công ty trên thế giới có thể tự thiết kế và chế tạo một động cơ mới.

Tiềm lực chiến lược và kỹ thuật của Motor Sich là vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia của Ukraine. Chính vì vậy, Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Ukraine về rủi ro liên quan tới việc Trung Quốc có thể thâu tóm Motor Sich và động thái của Ukraine tuần qua được xem có thể khiến Mỹ hài lòng.

Hồi tháng 1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký lệnh trừng phạt Skyrizon Aviation, bên bị cáo buộc tìm cách giành quyền kiểm soát Motor Sich bằng cách mua cổ phần từ các chủ sở hữu Ukraine.

Cổ phần của Motor Sich đã bị đóng băng kể từ năm 2018 theo yêu cầu của cơ quan tình báo Ukraine khi cơ quan này điều tra việc bán tài sản chiến lược cho các công ty nước ngoài.

Trung Quốc gặp khó 

Trong khi đó, Nga dù là nhà cung cấp nhiều loại động cơ cho máy bay Trung Quốc, nhưng Moscow lại từ chối hợp tác chia sẻ công nghệ với phía Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc được cho ngạc nhiên khi Nga tỏ ra miễn cưỡng trong việc cung cấp trực tiếp động cơ máy bay chiến đấu cho Bắc Kinh. Thay vào đó, Nga muốn bán nguyên chiếc máy bay cho Trung Quốc. Giới quan sát nhận định, điều này có thể là do Trung Quốc có lịch sử "thiết kế đảo ngược", ám chỉ việc Trung Quốc sao chép công nghệ dựa trên việc phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của thiết bị Nga.  

Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ dùng phiên bản nâng cấp của động cơ WS-10 nội địa để thay thế động cơ AL-31F của Nga, vốn đang được trang bị cho tiêm kích J-20 của Bắc Kinh.

Trung Quốc không thể phụ thuộc mãi vào động cơ Nga vì Moscow đã thúc giục Trung Quốc mua thêm máy bay Su-35 để đổi lại thương vụ bán động cơ AL-31F", một nguồn tin nói với SCMP hồi tháng 1.

Mặt khác, việc sử dụng động cơ nhập từ Nga cũng không phải là lựa chọn tối ưu nhất khi những động cơ này có thể không đủ mạnh hoặc không phù hợp với công nghệ mới dẫn tới sự thiếu tin cậy trong khi vận hành.

Ví dụ, trong những lần xuất hiện công khai, J-20 thường dùng động cơ AL-31 do Nga sản xuất. Động cơ này được cho là không phù hợp với một máy bay chiến đấu siêu âm, tầm xa, hạng nặng, theo 2 chuyên gia Carlo Kopp và Peter Goon của tổ chức Air Power Australia.