1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Bộ tứ kim cương” lên kế hoạch tập trận chung nhằm "nắn gân" Trung Quốc

(Dân trí) - Ấn Độ được cho đang tính mời Australia tham gia cuộc tập trận với Mỹ, Nhật, trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước này với Trung Quốc đang leo thang.

“Bộ tứ kim cương” lên kế hoạch tập trận chung nhằm nắn gân Trung Quốc - 1

Các tàu chiến trong một cuộc tập trận Malabar (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Bloomberg ngày 10/7 dẫn nguồn thạo tin ẩn danh cho hay, Ấn Độ dường như đang có kế hoạch mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar.

Nếu Australia tham gia cùng với Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản, đây sẽ được coi là cuộc tập trận có sự góp mặt của các thành viên trong “Bộ tứ kim cương”. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các thành viên của nhóm bộ tứ đều đang căng thẳng với Trung Quốc.

Cuộc tập trận dự kiến diễn ra tại vịnh Bengal vào cuối năm nay. Ấn Độ được kỳ vọng sẽ “dọn đường” một số thủ tục cần thiết để đưa ra lời mời chính thức tới Australia vào tuần tới, nguồn tin cho biết.

Chuyên gia Derek Grossman tại tổ chức Rand (Mỹ) nói rằng nếu cuộc tập trận diễn ra, đó sẽ là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc từ nhóm “Bộ tứ kim cương”.

Theo Bloomberg, Trung Quốc từ lâu đã không hài lòng với liên minh phi chính thức của 4 quốc gia trên. Nhóm này được thành lập vào năm 2004 để trợ giúp các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương sau thảm họa sóng thần. Tới năm 2017, “Bộ tứ kim cương” được cho đã bắt trỗi dậy trở lại.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhóm này cũng đã mở rộng hợp tác với các đối tác như Hàn Quốc, New Zealand.

Phía hải quân Ấn Độ từ chối đưa ra bình luận về thông tin của Bloomberg. Phía Australia nói rằng dù họ chưa nhận được lời mời chính thức, nhưng Canberra “thấy được giá trị trong việc hợp tác 4 bên về quốc phòng để tăng cường khả năng tương tác và thúc đẩy lợi ích tập thể của chúng ta trong một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng”.

Việc Ấn Độ có thể mời Australia tham gia tập trận năm nay diễn ra sau khi 2 bên ký thỏa thuân quốc phòng và nâng cấp quan hệ trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

Hồi tháng 5, New Delhi và Canberra ký thỏa thuận cho phép 2 bên có thể tiếp cận căn cứ quân sự và cảng của nhau. Ấn Độ cũng có thỏa thuận tương tự với Mỹ.

Việc Australia tham gia tập trận “chỉ là vấn đề thời gian” do 2 nước đã nâng cao quan hệ quốc phòng và kinh tế, theo chuyên gia Ấn Độ Biren Nanda từ nhóm Chính sách Delhi.

Trung Quốc từng phản đối Nhật Bản tham gia tập trận Malabar năm 2015. Bắc Kinh cảnh báo các quốc gia không “kích động sự đối đầu và tạo ra căng thẳng” trong khu vực.

Ông Nanda cho rằng, nếu Australia được mời tham gia Malabar năm nay, Trung Quốc dường như sẽ có phản ứng tương tự.

Giới quan sát cho rằng “Bộ tứ kim cương” về bản chất luôn luôn là một nền tảng an ninh nhưng họ “chưa có bối cảnh quân sự” để thể hiện điều đó. Cuộc tập trận Malabar được xem có ý nghĩa quan trọng với nhóm bộ tứ trong bối cảnh các bên cho rằng Trung Quốc dường như đang đe dọa tới an ninh khu vực, theo các chuyên gia.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg