1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ mong ASEAN cùng phản ứng việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông

Với việc công bố video cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đảo ở Biển Đông, Mỹ hy vọng các nước Đông Nam Á sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn.

Theo Reuters, đoạn video mà Mỹ công bố gần đây cho thấy nhiều tàu và sà lan của Trung Quốc đang bận rộn san lấp và cải tạo các bãi đá thành các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và đang xây dựng các đường băng và hải cảng trên đó.

Phản ứng chung là cần thiết

Washington kỳ vọng các nước châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á, cần đoàn kết hơn nữa để đối phó với tốc độ xây dựng “chóng mặt” của Trung Quốc trên các bãi đá mà nước này đã cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo trong năm nay.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo rầm rộ bãi đá Vành Khăn
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo rầm rộ bãi đá Vành Khăn

Đây cũng chính là vấn đề “nóng” sẽ được bàn thảo tại cuộc Đối thoại Shangri-La 2015, diễn ra tại Singapore từ ngày 29/5, với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và nhiều quan chức quân đội cao cấp của Trung Quốc.

Một quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Các nước Đông Nam Á cần phải biết cách tự giải quyết vấn đề của mình”, và khẳng định, việc Mỹ đứng ra thách thức Trung Quốc trong các tranh chấp trên Biển Đông sẽ là phản tác dụng.

Quan chức này cũng nêu rõ: “Các nước đối tác của Mỹ, bao gồm cả 10 quốc gia thành viên ASEAN cần phải thống nhất trong hành động và phải hành động mau lẹ bởi nếu cứ chần chừ thì chỉ trong vòng 4 năm nữa, mọi việc trở thành “sự đã rồi”.

Để thể hiện sự thống nhất của mình, các lãnh đạo ASEAN trong tháng 4 đã cùng bày tỏ quan ngại về hành động cải tạo của Trung Quốc và nhấn mạnh điều này gây xói mòn niềm tin và gây bất ổn trong khu vực.

Ngoài ra, các nước cũng đã tính đến việc tiến hành những hoạt động hợp tác chặt chẽ với nhau. Theo đó, quân đội Nhật Bản đang xem xét tham gia tuần tra chung trên biển với Mỹ. Nhật Bản và Philippines cũng sẽ tham gia đàm phán về khả năng trao đổi trang thiết bị, công nghệ quốc phòng cũng như việc đưa các quân nhân Nhật Bản sang thăm Philippines.

Mỹ ủng hộ hết mình

Trong một nỗ lực để ủng hộ các đồng minh của mình, tuần trước, Hải quân Mỹ đã cho phép các phóng viên CNN và một đoàn quay phim của Hải quân nước này lên máy bay trinh sát P-8A Poseidon để ghi lại việc Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi đá thuộc quẩn đảo Trường Sa.

“Không ai muốn một sáng tỉnh giấc lại phát hiện ra rằng Trung Quốc đã xây dựng một loạt tiền đồn và tệ hơn là trang bị cho các tiền đồn này một loạt các trang thiết bị quân sự”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói.

Ông Ernest Bower, Chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định, về lâu dài mục tiêu của Mỹ là thuyết phục Trung Quốc tuân thủ quy chế giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế thay vì áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo ông Bower: “Trước mắt tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ cho Trung Quốc thấy quyết tâm của họ [trong việc giải quyết vấn đề này]”.

Theo đó, các quan chức Mỹ từng tuyên bố các tàu Hải quân của Mỹ sẽ đi vào khu vực 12 hải lý gần các bãi đá mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo để chứng tỏ rằng Washington không công nhận quan điểm của Trung Quốc, và rằng Bắc Kinh không có quyền tuyên bố chủ quyền tại đó.

Ngoài ra, Washington cũng đang đẩy nhanh chiến lược tái cân bằng sang châu Á. Nhiều quốc gia trong khu vực cho rằng, việc Mỹ đến giờ mới thúc đẩy quá trình thực thi tiến trình này là khá chậm bởi tuyên bố về chiến lược tái cân bằng này của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được đưa ra từ 4 năm trước.

Không chỉ có vậy, Mỹ cũng đã nâng cấp các thỏa thuận an ninh của mình với Nhật Bản và Philippines, 2 đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực và đang tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa cho Nhật Bản nhằm đối phó với Triều Tiên.

Hiện, các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ cũng đang tham gia tập trận chung với Australia. Trong khi đó, các tàu chiến của Mỹ đang đậu ngoài khơi Singapore và các máy bay trinh sát P-8A Poseidon của nước này đang đồn trú tại Nhật Bản cũng đã tiến hành các chiến dịch trinh sát trên khắp khu vực.

Hình ảnh chụp từ máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ. (Ảnh:
Hình ảnh chụp từ máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ. (Ảnh: AP)

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Hải quân nước này sẽ tăng sự hiện diện của các tàu chiến của Mỹ trong khu vực. Theo đó, đến năm 2020, 60% số tàu Hải quân Mỹ sẽ hiện diện tại Thái Bình Dương, tăng khoảng 3% so với hiện nay.

Trong khi đó, các quan chức quân đội Philippines khẳng định, sự xoay trục của Mỹ tại châu Á là rất đáng kể. Theo đó, Mỹ đã tăng cường các cuộc tập trận chung với Philippines cũng như gia tăng các chuyến thăm của các tàu Hải quân và máy bay quân đội của Mỹ đến Philippines.

Hơn thế nữa, trọng tâm của các cuộc tập trận và các chuyến thăm của Mỹ đã thay đổi từ mục tiếu chống khủng bố sang đảm bảo an ninh hàng hải.

Mặc dù vậy, Trung Quốc cho thấy mình không dễ gì từ bỏ tham vọng của mình trên Biển Đông. Ngày 27/5, Trung Quốc đã tổ chức lễ động thổ xây dựng 2 ngọn hải đăng trên các bãi đá mà nước này đã cải tạo thành các đảo nhân tạo tại đây.

Cũng trong lễ động thổ này, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường bảo vệ “vùng biển của mình” và ngang nhiên chỉ trích các nước láng giềng đang có “những hành động khiêu khích” nhằm vào các bãi đá và các đảo mà nước này cho là thuộc chủ quyền của mình./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN