1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lo ngại Trung Quốc "vượt mặt" ở khu vực sân sau

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một quan chức quân sự Mỹ thừa nhận việc Trung Quốc dồn lực đầu tư vào các dự án ở Mỹ Latinh đang khiến Washington lo ngại vì mối đe dọa bị giảm tầm ảnh hưởng ở khu vực sân sau.

Mỹ lo ngại Trung Quốc vượt mặt ở khu vực sân sau - 1

Tướng Laura Richardson, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Phương Nam Mỹ (Ảnh: Reuters).

Tướng Laura Richardson, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Phương Nam Mỹ, ngày 4/8 thừa nhận Mỹ có nguy cơ bị Trung Quốc "vượt mặt" ở Mỹ Latinh, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo bà, diễn biến này đang gióng lên hồi chuông báo động đối với Mỹ vì Washington vẫn coi Mỹ Latinh là khu vực "sân sau" trong nhiều năm qua.

Tướng Richardson, người chỉ huy đơn vị có nhiệm vụ hợp tác an ninh với khu vực Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang có cách tiếp cận toàn cầu và vươn tới rất gần tới Mỹ.

Theo bà Richardson, mặc dù Trung Quốc hiện không có căn cứ nào ở Tây bán cầu, nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng rộng rãi của Bắc Kinh thông qua sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" (BRI) cho thấy tiềm năng có thể xuất hiện căn cứ trong tương lai.

Bà cảnh báo, nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ làm gia tăng đáng kể mối lo ngại về an ninh của Mỹ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hôm 4/8 hôm thứ Sáu đã bảo vệ Sáng kiến BRI. Người phát ngôn Đại sứ quán Liu Pengyu cho biết, các dự án BRI bao gồm các hoạt động đối thoại toàn diện, hợp tác chung và chia sẻ lợi ích, và đã tạo ra 420.000 việc làm cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước tham gia.

"Trung Quốc không bao giờ áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác, cũng như không đưa bất kỳ chương trình nghị sự địa chính trị ích kỷ nào vào sáng kiến này", tuyên bố viết.

Bà Richardson cho biết, tầm ảnh hưởng công nghệ của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực. Bà nói, sức hấp dẫn của việc nâng cấp lên mạng viễn thông 5G với giá cả phải chăng khiến các nhà lãnh đạo của các quốc gia Mỹ Latinh gặp khó khăn trong việc từ chối các đề xuất từ phía Trung Quốc.

Để đối phó Bắc Kinh, bà Richardson ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa các nền dân chủ có cùng chí hướng trong khu vực.

"Chúng ta phải có các phương pháp thay thế, các công ty thay thế, các lựa chọn thay thế để Mỹ Latinh có thể lựa chọn thay vì các đối thủ từ Trung Quốc", bà nhấn mạnh.

Bà cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng cơ sở hạ tầng do họ tài trợ trong khu vực cho mục đích quân sự. Bà ghi nhận sự hiện diện của 5 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc dọc theo Kênh đào Panama.

Cụ thể, tướng Richardson lo ngại các công ty Trung Quốc có thể sử dụng các công trình trên cho mục đích quân sự. Ngoài ra, bà cũng bày tỏ hoài nghi về một số dự án BRI mà Trung Quốc rót vốn đầu tư, cho rằng chúng vẫn tồn tại các vấn đề, bị đội chi phí…

Bà cho rằng việc các quốc gia cần cơ sở hạ tầng hợp tác với Trung Quốc là điều dễ hiểu. Bà nói: "Khi ai đó ném cho bạn một sợi dây, bạn không nhất thiết phải nhìn vào người đang đưa sợi dây cho mình. Bạn chỉ đơn giản là nắm lấy nó".

Bà Richardson kêu gọi Mỹ và các đồng minh cung cấp các mô hình kinh doanh và đầu tư thay thế ở Mỹ Latinh để đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. "Nếu chúng ta không cạnh tranh ở đó, các nước này sẽ chọn Trung Quốc", bà cảnh báo.

Theo SCMP