Mỹ lộ điểm yếu phòng không chết người sau vụ UAV tập kích căn cứ ở Jordan
(Dân trí) - Mỹ đang tìm kiếm hệ thống đánh chặn tốt hơn sau khi bị lộ điểm yếu chết người từ vụ máy bay không người lái (UAV) tập kích căn cứ quân sự của họ ở Jordan khiến 3 binh sĩ thiệt mạng.
Cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào căn cứ của Mỹ ở Jordan đã khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 34 người bị thương. Tiền đồn quân sự này được biết với tên gọi "Tower 22" (Tháp 22), nằm ở đông bắc Jordan, gần biên giới Syria và Iraq.
Việc lực lượng không quân hùng mạnh của Mỹ không thể ngăn chặn vụ tấn công này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng phòng thủ của Lầu Năm Góc ở Trung Đông, cũng như đặt ra những câu hỏi mới về nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng được Iran hậu thuẫn nhằm vào tàu thương mại, tàu chiến và căn cứ quân sự trong khu vực.
Theo họ, vụ việc lần này cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải nâng cấp và cách mạng hóa hệ thống phòng không của quân đội Mỹ.
Không rõ lý do chính xác vì sao lực lượng phòng thủ căn cứ của Mỹ không chặn được UAV, được cho là do lực lượng được Iran hậu thuẫn từ nước láng giềng Syria nhắm bắn vào.
Tuy nhiên, Iran bác bỏ mọi cáo buộc liên quan vụ tấn công, khẳng định các cáo buộc rằng đó là "hoàn toàn vô căn cứ", đồng thời tuyên bố "các phong trào kháng chiến" trong khu vực không hề nhận lệnh từ Iran.
Trước cuộc tấn công chết người, trang Defense News đưa tin rằng, quân đội Mỹ đang tìm kiếm đề xuất về cách mua thiết bị đánh chặn thứ hai cho hệ thống Khả năng phòng thủ gián tiếp (IFPC), được thiết kế để bảo vệ các địa điểm cố định và bán cố định khỏi tên lửa, pháo binh, súng cối, tên lửa hành trình và UAV.
Defense News lưu ý, thiết bị đánh chặn đầu tiên được sử dụng trong hệ thống IFPC là tên lửa AIM-9X của Raytheon Technologies (RTX) và quân đội Mỹ đã hoàn thành chuyến bay trình diễn giảm rủi ro, phóng thử thiết bị đánh chặn AIM-9X Sidewinder do RTX sản xuất từ máy phóng IFPC và nhắm vào mục tiêu hồi tháng 12/2023.
Báo cáo nói rằng, văn phòng chương trình IFPC Increment 2 (IFPC Inc2) nhắm tới giải thưởng cạnh tranh cho thiết bị đánh chặn thứ hai trong tài khóa 2025 và có kế hoạch đưa một hoặc nhiều nhà cung cấp được chọn tham gia buổi trình diễn công nghệ trong khung thời gian từ tài khóa 26 đến tài khóa 27.
Nguồn tin cũng cho biết, chính phủ Mỹ có ý định trao thưởng cho nỗ lực phát triển, chứng nhận và thử nghiệm sau cuộc trình diễn này. Defense News nhấn mạnh rằng, một trong những yếu tố thúc đẩy quan trọng đối với tên lửa đánh chặn thứ hai là dung lượng băng chứa tên lửa, vì hệ thống IFPC hiện có thể chứa 18 tên lửa AIM-9X trong trình khởi chạy.
Cũng theo nguồn tin này, băng chứa chỉ có thể chứa được 6 tên lửa nếu quân đội Mỹ quyết định sử dụng loại AIM-120D, vốn có thể đạt tầm bắn hơn 180km.
Báo cáo cũng cho biết, quân đội Mỹ cũng đang tìm kiếm các loại tên lửa có thể đạt tới độ cao và tầm bắn nhất định với động cơ tên lửa có thể giảm thời gian bay tới mục tiêu.
New York Times trước đó dẫn lời 2 quan chức Mỹ tiết lộ, việc các lực lượng phòng không Mỹ không chặn được cuộc tấn công này một phần vì chiếc UAV tiếp cận mục tiêu cùng lúc một chiếc UAV khác của Mỹ đang quay trở lại căn cứ.
Theo các quan chức trên, việc UAV giám sát của Mỹ quay trở lại Tháp 22 cùng lúc đã gây ra một số nhầm lẫn về việc liệu chiếc UAV đang tiếp cận "có thân thiện hay không" và lực lượng phòng không đã không phản ứng ngay lập tức.
Họ cho biết thêm, 2 chiếc UAV khác tấn công các địa điểm gần đó ở phía đông Syria đã bị bắn hạ.