1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lo bị "sóng thần" Omicron nhấn chìm, dịch chồng dịch

Thanh Thành

(Dân trí) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cảnh báo biến chủng Omicron đang lan nhanh chóng ở nước này và có thể lên đến đỉnh vào tháng 1/2022.

Mỹ lo bị sóng thần Omicron nhấn chìm, dịch chồng dịch - 1

Hơn 800.000 người tử vong tại Mỹ vì Covid-19 (Ảnh: AP).

Trong một cuộc họp hôm 14/12, các quan chức y tế liên bang hàng đầu của Mỹ đã cảnh báo chủng Omicron đang lây lan "như cháy rừng" và nguy cơ làn sóng Omicron đỉnh điểm vào tháng 1 tới đang hiện hữu, thậm chí đợt lây nhiễm Omicron chồng lên chủng Delta và cúm mùa.

Theo CDC, ca nhiễm Omicron đã tăng gấp 7 lần chỉ trong một tuần và với tốc độ như vậy, biến chủng đột biến cao này có thể tạo áp lực lên hệ thống y tế, vốn đã căng thẳng ở nhiều nơi khi Delta vẫn hoành hành.

Cảnh báo về đợt lây nhiễm tăng đột biến sắp xảy ra giữa lúc giới chức nước này và một số giám đốc điều hành của các hãng dược phẩm không ủng hộ sản xuất vaccine đặc hữu Omicron, vì cho rằng phác đồ hiện tại cùng với mũi tiêm tăng cường vẫn hiệu quả.

Hai kịch bản cho nước Mỹ

CDC đã phác họa chi tiết hai kịch bản về cách biến chủng Omicron có thể lây lan khắp đất nước.

Kịch bản xấu nhất đã khiến các quan chức y tế hàng đầu lo sợ, làn sóng bùng dịch mới chồng lên làn sóng dịch Delta và cúm mùa, được mô tả là "lây nhiễm nhân ba", có thể áp đảo hệ thống y tế và tàn phá cộng đồng, đặc biệt là những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

"Tôi rất lo lắng", Marcus Plescia, Giám đốc y tế của Hiệp hội các quan chức y tế vùng lãnh thổ và tiểu bang, cho biết. CDC, thường thận trọng trong các thông điệp của mình, nói với các quan chức y tế công cộng rằng: "Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này", ông Plescia cho biết.

Ông Plescia lưu ý, làn sóng lây lan Omicron, nếu thành hiện thực như dự báo, sẽ diễn ra cùng lúc chủng Delta tiếp tục tấn công và trong cùng thời điểm dịch cúm bùng nổ cao điểm.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, dữ liệu ban đầu cho thấy những người đã tiêm đầy đủ và được tiêm tăng cường phần lớn vẫn được bảo vệ khỏi nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Omicron. Nhưng họ lo lắng về việc có rất ít người Mỹ đã tiêm liều tăng cường cho đến nay. Mới chỉ có hơn 55 triệu người ở Mỹ đã tiêm liều tăng cường, trong số 200 triệu người đã tiêm đầy đủ, theo CDC.

Kịch bản thứ hai phác thảo khả năng Omicron lây lan nhẹ hơn vào mùa xuân 2022. Không rõ kịch bản nào có khả năng xảy ra cao hơn. Một quan chức y tế liên bang quen thuộc với cuộc họp cho biết: "Họ đang xem xét thông tin ở các cấp cao nhất và suy nghĩ về cách làm thế nào để người dân hiểu được ý nghĩa của các kịch bản này. "Việc này có vẻ khó khăn", quan chức này nói thêm. "Nếu xảy ra kịch bản 1, hệ quả là khôn lường, đặt gánh nặng vào các bệnh viện… chúng ta cần phải xem xét viễn cảnh này một cách nghiêm túc".

Chiến lược chống Omicron của chính quyền ông Biden

Đó là chủ yếu dựa vào tiêm vaccine và xét nghiệm.

Khi Tổng thống Joe Biden công bố "kế hoạch hành động" vào ngày 2/12 để chống đại dịch trong mùa đông này, ông lưu ý "không bao gồm việc ngừng hoạt động hoặc phong tỏa mà là thúc đẩy tiêm chủng, nhất là mũi tiêm tăng cường, xét nghiệm và nhiều biện pháp khác".

Các quan chức y tế cấp cao của Nhà Trắng và các chuyên gia tại các hãng dược cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy vaccine cải tiến dành riêng cho Omicron nằm trong chiến lược chống dịch của ông Biden. Và cũng không có bằng chứng về việc chuyển đổi thiết kế vaccine vì thêm mũi tiêm tăng cường là đủ cung cấp bảo vệ chống lại nguy cơ nhiễm nặng do Omicron gây ra.

Các chuyên gia lưu ý, cho đến nay, vaccine đã thành công trong cuộc chiến chống lại mọi biến chủng. Quan điểm đó có thể thay đổi trong hai tuần tới khi có nhiều dữ liệu liên quan đến các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và sự lây lan của Omicron.

Việc chuyển đổi vaccine có ý nghĩa sâu rộng. Nếu thay đổi sớm thì sẽ hạn chế khả năng đối phó với một biến chủng tiềm tàng khác trong tương lai, một biến chủng có thể nguy hiểm hơn Omicron. "Chúng ta phải cẩn thận để không lặp lại những sai lầm trong quá khứ", một quan chức chính quyền giấu tên nói. "Nếu cần thay đổi, chúng tôi sẽ thực hiện vì nó tốn thời gian, tiền bạc và công sức".

Các chuyên gia nói rằng, không thể liên tục thay đổi vaccine hoặc sử dụng các loại mũi vaccine tăng cường khác nhau vì không có đủ năng lực sản xuất và các nguồn lực khác.

Omicron đang lây lan nhanh ở Mỹ

Mỹ lo bị sóng thần Omicron nhấn chìm, dịch chồng dịch - 2

Các nhà nghiên cứu ở Washington, Mỹ đang chạy đua giải mã Omicron (Ảnh: AP).

Mặc dù Delta vẫn chiếm ưu thế ở Mỹ và là nguyên nhân số ca nhiễm và số ca nhập viện tăng gần đây, nhưng Omicron tiếp tục cho thấy những dấu hiệu dễ lây lan hơn. Điều quan trọng là nó có hàng tá đột biến để có thể dễ dàng né các kháng thể, tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ thống miễn dịch.

Theo NYT, Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh chóng ở bang Washington. Các nhà nghiên cứu xét nghiệm các mẫu virus ở bang Washington đã ghi nhận số ca nhiễm Omicron đang tăng, phản ánh xu hướng dịch bệnh như ở các nước như Nam Phi, Anh và Đan Mạch.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington phát hiện ra rằng, 13% trong số 217 mẫu ca dương tính nhiễm chủng mới này. Con số này tăng so với khoảng 7% số mẫu mà họ đã xét nghiệm từ ngày hôm trước và 3% so với một ngày trước đó tại một khu vực ghi nhận ca bệnh đầu tiên chỉ 2 tuần trước. Tiến sĩ Pavitra Roychoudhury, nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, cho biết: "Rõ ràng là số ca nhiễm đang tăng lên rất nhanh".

Tiến sĩ Roychoudhury cảnh báo, tỷ lệ tương đối nhỏ này cho thấy Omicron vẫn đang bị ngăn chặn hiệu quả nhưng ngay cả như vậy, bà cho rằng, kết quả này làm gia tăng lo lắng rằng Omicron có thể lây nhiễm đáng sợ.

Khi Omicron lan rộng khắp toàn cầu, các nhà khoa học đưa ra bằng chứng cho thấy nó có thể né tránh một phần hệ thống phòng thủ miễn dịch hiện có. Nhưng họ vẫn đang cố gắng xác định khả năng chủng này gây ra bệnh nặng như thế nào.

Tiến sĩ Trevor Bedford, người nghiên cứu sự lây lan và tiến hóa của virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle cho biết, số ca nhiễm Omicron vẫn còn quá nhỏ để có tác động lớn đến số ca bệnh tổng thể, nhưng ông nói rằng điều đó có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới và nó có khả năng sẽ sớm chiếm lấy thế thống trị của Delta.

"Nguy cơ bùng nổ làn sóng Omicron kinh hoàng có thể là không thể tránh khỏi", Tiến sĩ Bedford nói.