Mỹ lên kế hoạch tấn công Syria trong 72 giờ
(Dân trí) - Mỹ đang sẵn sàng cho các cuộc tấn công nhằm vào Syria lâu hơn và mạnh mẽ hơn so với kế hoạch ban đầu, dự kiến kéo dài trong 3 ngày, tờ Los Angeles Times ngày 8/9 đưa tin.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Các nhà hoạch định chiến tranh giờ đây muốn tiến hành các cuộc tấn công dồn dập bằng tên lửa, sau đó là các cuộc tấn công bổ sung nhằm vào những mục tiêu mà có thể bị trượt hoặc vẫn trụ vững sau cuộc tấn công đầu tiên, tờ Times trích lời các quan chức Mỹ giấu tên.
Hai quan chức Mỹ nói với tờ báo rằng Nhà Trắng đã yêu cầu một danh sách mở rộng để đưa vào nhiều mục tiêu hơn nữa so với danh sách khoảng 50 mục tiêu ban đầu.
Động thái trên là một phần nỗ lực nhằm tăng hỏa lực để gây thiệt hại cho các lực lượng bị phân tán của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc đang cân nhắc sử dụng các máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ, cũng như 5 tàu khu trục tên lửa hiện đang tuần tra ở phía đông Địa Trung Hải, để bắn tên lửa hành trình và đất đối không từ xa, ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không Syria.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz với một tàu tuần dương và 3 tàu khu trục ở Biển Đỏ cũng có thể bắn các tên lửa hành trình vào Syria.
"Sẽ có vài loạt bắn phá và một cuộc đánh giá sau mỗi loạt bắn phá như vậy, nhưng tất cả diễn ra trong vòng 72 giờ và sẽ có ám hiệu rõ ràng khi chúng tôi hoàn tất", một quan chức biết rõ về kế hoạch tấn công nói với tờ Times.
Kế hoạch quân sự tăng cường được tiết lộ trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến có bài phát biểu trước toàn dân về vấn đề Syria từ Nhà Trắng vào ngày 10/9 và hối thúc các nghị sĩ về sự cần thiết của các hành động cụ thể sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Ông Obama dự kiến cũng có các cuộc phỏng vấn với 3 kênh truyền hình lớn của Mỹ là PBS, CNN và Fox News vào hôm nay.
Theo Times, Tổng thống Obama chỉ muốn một cuộc tấn công quân sự giới hạn, dùng các máy bay chiến đấu ném bom xuống Syria.
Tuy nhiên, trước những ngờ vực rằng liệu một cuộc tấn công giới hạn của Mỹ có làm suy yếu đáng kể các khả năng của quân đội Syria, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Times rằng chiến dịch được lên kế hoạch chỉ nhằm "phô diễn lực lượng" trong vài ngày và sẽ không thay đổi về bản chất tình hình trên mặt đất.
Mỹ thừa nhận chưa đủ bằng chứng về Syria Một quan chức chóp bu của Nhà Trắng ngày 8/9 thừa nhận cho tới nay, Mỹ vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục về vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hôm 21/8 vừa qua. Trả lời phỏng vấn trên chương trình truyền hình "Fox News Sunday", Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough thừa nhận việc các nghị sỹ và dân chúng Mỹ vẫn còn hoài nghi là điều dễ hiểu vì chính quyền của Tổng thống Barack Obama cho tới nay vẫn chưa có những bằng chứng "không thể chối bỏ" nhưng vẫn khẳng định chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là bên "chịu trách nhiệm" cho vụ sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8 làm 1.429 người chết, trong đó có 426 trẻ em. Ông cho biết thêm một cuộc chiến nhằm vào Syria, nếu Tổng thống Obama ra lệnh, sẽ không giống như các chiến dịch quân sự kéo dài như với Iraq hoặc Afghanistan và cũng sẽ không có sự tham gia của bộ binh. Về khả năng Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết ủng hộ chủ trương phát động chiến tranh của chính quyền, Chánh văn phòng Nhà Trắng nói rằng còn quá sớm để dự báo chủ trương này sẽ nhận đủ 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết tại lưỡng viện Quốc hội. Trong một diễn biến khác, tại Pháp, trong bối cảnh bị cô lập trên trường quốc tế và bị phe đối lập trong nước phản đối về lập trường đối với Syria, Tổng thống Pháp François Hollande tiếp tục nhận thêm một tin xấu. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Ifof thực hiện trong tháng 9 cho nhật báo "Le Figaro" cho thấy 64% người dân Pháp được hỏi trả lời phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Trước đó, tỷ lệ người Pháp phản đối tấn công Syria thường dao động từ 41 - 49%. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất trong vấn đề này đã làm thay đổi tình hình. Sau việc Nghị viện Anh phản đối chính phủ tham gia vào chiến dịch “trừng phạt” chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định tham khảo ý kiến của Quốc hội, Chính phủ Pháp rơi vào tình thế hết sức tế nhị và bị cô lập bên cạnh Mỹ tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20). Tuy nhiên, một quan chức cấp cao thân cận với Phủ Tổng thống Pháp đánh giá dư luận có xu hướng phản đối chiến tranh là điều hết sức bình thường. Ông giải thích “nếu người ta hỏi bạn có ủng hộ chiến tranh hay không, thì bạn thường hay nói là không”. Bên cạnh đó, cuộc chiến tại Iraq, Libya đã gây ra tâm lý chán nản và lo ngại bị sa lầy. Tất cả những luận điểm đó ông Hollande đã thấy ngay được từ các đối tác của Pháp tại hội nghị G-20 nhưng không thể khiến Tổng thống Pháp thay đổi quyết định. Theo T.N Báo tin tức |
An Bình
Theo AFP, LAT