1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lần đầu triển khai “lá chắn thép” THAAD tới Israel

(Dân trí) - Mỹ lần đầu tiên đã triển khai thành công hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tới Israel trong khuôn khổ một bài diễn tập triển khai nhanh lực lượng.

Mỹ lần đầu triển khai “lá chắn thép” THAAD tới Israel - 1

Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD (Ảnh: Reuters)

Ngày 1/4, Mỹ và Israel sau 5 tuần đã hoàn tất một bài diễn tập triển khai lực lượng nhanh với sự tham gia của hệ thống phòng thủ THAAD.

Từ ngày 4/3, khoảng 250 quân nhân Mỹ và 15 nhân sự lực lượng phòng vệ Israel (IAF) đã được đào tạo ở căn cứ Nevatim cho đợt diễn tập nói trên.

“THAAD đã được triển khai ở Israel. Chúng tôi đã dành 1 tháng tập luyện. Vào cuối tháng này, khi nó trở về vị trí cũ, chúng tôi sẽ cải thiện hệ thống phòng thủ”, đại diện IAF Guy Amosi trả lời Times of Israel.

Phó Tư lệnh lục quân Mỹ tại châu Âu Andrew J. Rowling cho biết mục tiêu của cuộc diễn tập nhằm kiểm tra năng lực quân nhân Mỹ trong việc “triển khai nhanh hệ thống THAAD ở cách hàng nghìn km, sau đó tích hợp nó vào một trong những kiến ​​trúc phòng thủ tên lửa phức tạp nhất trên thế giới”.

Đây là lần đầu tiên THAAD được triển khai tới Israel và nó hứa hẹn sẽ trở thành một lớp phòng thủ quan trọng trong hệ thống lá chắn hỏa lực của Israel. Các hệ thống nhà nước Do Thái đang sử dụng bao gồm Iron Dome, Arrow, David's Sling chống lại các mục tiêu tên lửa đạn đạo chiến thuật, rocket tầm trung tới tầm xa và tên lửa hành trình tấn công trong tầm 40-300km.

THAAD với cơ chế hoạt động tấn công tên lửa đạn đạo tầm xa khi tái nhập khí quyển, có thể bảo vệ Israel ở khoảng cách xa hơn.

Thông tin triển khai THAAD được công bố trong bối cảnh cuộc bầu cử Israel sắp diễn ra. Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như đang nỗ lực nhằm thể hiện cho cử tri về quan điểm quân sự cứng rắn của ông. Trong thời gian qua, căng thẳng giữa Israel và Iran gia tăng liên quan tới chiến dịch ném bom của Israel tại Syria cũng như cảnh báo có thể nổ ra xung đột quân sự giữa 2 phía.

Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định công nhận chủ quyền Israel với cao nguyên Golan, khu vực Israel đã giành quyền kiểm soát từ Syria năm 1967. Giới quan sát cho rằng động thái này giống như “món quà bầu cử” mà ông Trump tặng ông Netanyahu.

THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar X-band và hệ thống kiểm soát, có thể đánh chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung với tầm bắn lên tới 3.000 km ở độ cao 40-150 km, có khả năng chống lại các mối đe dọa trên toàn thế giới. Đây được coi là một trong những hệ thống phòng thủ uy lực nhất thế giới. 

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ

Đức Hoàng

Theo Sputnik