1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ lần đầu khoe tên lửa siêu vượt âm trang bị cho F-35

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ lần đầu công bố mô hình tên lửa siêu vượt âm Mako dùng cho tiêm kích F-35.

Mỹ lần đầu khoe tên lửa siêu vượt âm trang bị cho F-35 - 1

Mô hình tên lửa Mako (Ảnh: Eurasian Times).

Nhà thầu Mỹ Lockheed Martin, phối hợp với công ty CoAspire, đã tiết lộ một loại vũ khí mới tại cuộc triển lãm Sea Air Space 2024 ở Washingtonton, Mỹ trong tuần này: Tên lửa siêu vượt âm đa nhiệm Mako.

Cái tên Mako được lấy cảm hứng từ loài cá mập nhanh nhất dưới biển. Mako được phát triển với nguồn tài trợ từ chương trình Vũ khí tấn công dự phòng (SiAW) của Không quân Mỹ. Tên lửa đang được đề xuất để tích hợp với máy bay hoạt động trên tàu sân bay của Hải quân.

Rick Loy, Giám đốc chương trình cấp cao tại bộ phận Kiểm soát hỏa lực và tên lửa của Lockheed Martin, nói với Naval News rằng đây là một tên lửa linh hoạt, khả năng sống sót cao, giá phải chăng và uy lực.

Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai hình ảnh của Mako sau 7 năm phát triển dự án, dù tên lửa này vẫn đang ở dạng mô hình. Lockheed Martin khẳng định rằng tên lửa này có khả năng tương thích với nhiều loại máy bay, trong đó có F-35, tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ.

Ngoài ra, Mako có thể được lắp trên F-22, F-15, F-16, F/A-18, P-8...

Tuy nhiên, các chi tiết về dòng tên lửa này vẫn đang được giữ bí mật vì Lockheed Martin từ chối tiết lộ thông tin cụ thể. Hiện mới có thông tin rằng Mako có khả năng bay nhanh gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), điều kiện cần để một vũ khí được xem là siêu vượt âm.

Chuyên gia quốc phòng Stefano D'Urso cho hay, F-35 có thể mang 4 tên lửa Mako bên ngoài và 2 tên lửa bên trong. Mako trở thành vũ khí siêu vượt âm đầu tiên tương thích với máy bay thế hệ thứ 5.

Mako vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa rõ khi nào vũ khí này sẵn sàng tác chiến.

Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.

Hiện thời, Nga đã biên chế và sử dụng tên lửa siêu vượt âm trong tác chiến, trong khi Trung Quốc đã có tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai. Giới chức quân sự Mỹ nhiều lần thừa nhận Washington đang đi sau nhiều năm so với các đối thủ chiến lược trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Theo Eurasian Times