1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ không định gây Chiến tranh lạnh trong tranh chấp ở Biển Đông

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 4/6 đã trình bày quan điểm về tình hình hiện nay tại Biển Đông, cũng như việc Washington không muốn tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này.


Bộ trưởng Ash Carter. (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Ash Carter. (Ảnh: AFP)

Trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền với trang mạng của kênh truyền hình Channel News Asia, ông Carter nói: "Mỹ không tìm kiếm bất cứ hình thức Chiến tranh Lạnh nào, hay chia rẽ hoặc xung đột tại đây. Chúng tôi tới với một hệ thống đặc biệt, nơi tất cả mọi người đều hợp tác. Chúng tôi không tìm cách lôi kéo bất điều gì ra ngoài. Đó không phải là cách tiếp cận của chúng tôi".

Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ, nếu Trung Quốc chọn cách tự cô lập chính mình trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nước này sẽ rơi vào tình huống do chính Bắc Kinh tạo ra. Ở hướng ngược lại, Bộ trưởng Carter cho rằng cách tiếp cận vấn đề của Mỹ là theo hướng tổng thể.

Bộ trưởng Carter nói: "Nếu Trung Quốc hành động để loại trừ chính bản thân họ, với phần lớn hành vi mà họ đang thực hiện lúc này, và khiến mọi người muốn làm việc với Mỹ, vậy đó sẽ không phải là do chúng tôi. Đó là hậu quả từ cách hành xử của họ. Cách tiếp cận của chúng tôi lại khác. Đó là bao gồm tất cả các bên, kể cả Trung Quốc".

Biển Đông là tuyến đường biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và là nơi 50% các đội tàu thương mại toàn cầu đi qua. Vùng biển này vận chuyển nhiều gấp 15 lần lượng dầu đi qua kênh đào Panama. Tuy nhiên, Biển Đông lại đang trở thành khu vực tranh chấp chủ quyền của các bên liên quan, bao gồm Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Theo giới phân tích, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã gây ra tình trạng chia rẽ giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Năm 2012, lần đầu tiên trong 45 năm, ASEAN đã không đưa ra được tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh cấp ngoại trưởng của khối. Campuchia, quốc gia giữ ghế chủ tịch ASEAN khi đó, đã phủ quyết tất cả những đề cập đến các vấn đề hàng hải trong tuyên bố chung.

Bộ trưởng Carter hiện đang ở Singapore để tham dự cuộc Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, một hội nghị tập trung quan chức quốc phòng từ các nước trên thế giới. Dù Mỹ không phải là bên có tuyên bố chủ quyền trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông song nước này vẫn đưa ra các hành động mà theo lời của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định là để bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển này. Mỹ cho rằng hoạt động cải tạo đất và quân sự hoá các hòn đảo của Trung Quốc thời gian qua là mối đe doạ với tự do hàng hải. Lâu nay, Trung Quốc luôn đưa ra đòi hỏi phi pháp tới 80% diện tích ở Biển Đông và đã có các hoạt động cải tạo mở rộng trong vùng biển này.

Tuy nhiên, ông Carter nhấn mạnh rằng Mỹ muốn tránh xung đột trực tiếp với Trung Quốc và các quốc gia khác mà nước này đang có bất đồng, ví dụ như Nga. Ông nói: "Chúng tôi không muốn xung đột với cả Nga hay Trung Quốc. Họ là những cường quốc và chúng tôi tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi có trách nhiệm đưa ra hành động khi các lựa chọn đưa họ vào thế đối lập với Mỹ hoặc phần còn lại của thế giới. Chúng tôi sẽ nghiêm túc cân nhắc về vấn đề này".

Ngọc Anh

Theo CNA