1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ kêu gọi chia sẻ minh bạch dữ liệu nước sông Mekong

Thành Đạt

(Dân trí) - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell kêu gọi Trung Quốc giữ lời hứa chia sẻ dữ liệu nước sông Mekong và minh bạch trong việc vận hành mạng lưới đập thủy điện ở thượng nguồn.

Mỹ kêu gọi chia sẻ minh bạch dữ liệu nước sông Mekong - 1

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell. (Ảnh: Yonhap)

Trong cuộc trao đổi với các phóng viên sáng 15/9, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, thông báo vào ngày 11/9, Mỹ và 5 quốc gia Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, đã chính thức nâng cấp hợp tác lên Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ trên nền tảng của cơ chế Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) được thành lập từ năm 2009. Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan từ từ ngày 9-12/9.

“Tôi muốn nói rằng hơn 3 triệu công dân Mỹ và thường trú nhân có gốc gác tại các quốc gia khu vực Mekong. Đây là mối liên kết rất mạnh mẽ giữa chúng ta. Để thắt chặt hơn các mối liên kết này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và các nước khu vực Mekong đã khởi động Quan hệ Đối tác Mekong - Mỹ mới. Quan hệ đối tác này được xây dựng dựa trên thành quả của 11 năm với cơ chế Sáng kiến Hạ nguồn Mekong, trải rộng cả về hợp tác kinh tế, an ninh, quản trị, y tế và môi trường”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Ông Stilwell cho biết 5 nước đối tác Mekong đều đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ cũng như tầm nhìn của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do.

Theo ông Stilwell, các công ty Mỹ đã hoạt động tại khu vực này trong thời gian dài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ năm 2019 đạt trên 20 tỷ USD, tiếp tục mang lại thịnh vượng cho người Mỹ và người dân tại khu vực sông Mekong.

“Chúng tôi cam kết hơn 150 triệu USD ban đầu để hỗ trợ hợp tác khu vực mở rộng theo Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ. Một số chương trình chủ chốt gồm 52 triệu USD, tính đến nay, để đối phó với Covid-19, 33 triệu USD để hỗ trợ các hệ thống năng lượng và thương mại thông qua chương trình Asia EDGE của chúng tôi và 55 triệu USD để chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm buôn lậu ma túy”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm.

Ông Stilwell cho biết Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ việc quản trị nguồn lực xuyên biên giới, bao gồm hoạt động của Ủy hội sông Mekong trong việc quản lý các nguồn lực của sông Mekong. Ông Stilwell nói rằng các Bộ trưởng Ngoại giao khu vực Mekong đều coi Sáng kiến Dữ liệu Nước Mekong do Mỹ hậu thuẫn là nỗ lực quan trọng để giúp quản lý và giám sát những thách thức liên quan tới nguồn nước.

"Điều này đặc biệt quan trọng vì Bắc Kinh lâu nay vẫn từ chối hành động một cách minh bạch trong việc vận hành mạng lưới đập thủy điện khổng lồ của họ tại thượng nguồn. Điều này gây tổn hại đến sinh kế của hàng chục triệu người trong các cộng đồng Đông Nam Á ở cả thượng nguồn và hạ nguồn sông Mekong", ông Stilwell nói.

"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc giữ đúng lời hứa chia sẻ dữ liệu nước từ thượng nguồn sông Mekong và thực hiện điều đó thông qua các cơ chế do khu vực sông Mekong phát triển, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong", nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nhấn mạnh.

Trước đó, tại hội nghị do Viện Hòa bình Mỹ và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore tổ chức hôm 3/9, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stilwell nhận định vấn đề dòng chảy sông Mekong, con sông dài 4.350 km hỗ trợ cuộc sống của 60 triệu người Đông Nam Á, là một trong những “xu hướng phức tạp” tại khu vực Mekong.

Nhà ngoại giao Mỹ dẫn một báo cáo gần đây cho biết “Trung Quốc đã tác động tới dòng chảy dọc sông Mekong suốt 25 năm, trong đó tình trạng gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra cùng thời điểm xây dựng và vận hành các đập lớn”. Ông Stilwell cảnh báo khủng hoảng sông Mekong đã “tàn phá mùa màng, đe dọa an ninh lương thực và nguồn nước trong khu vực”.

Một báo cáo của tổ chức Eyes on Earth có trụ sở tại Mỹ hồi tháng 4 kết luận các đập của Trung Quốc đã giữ lại 47 tỷ m3 nước sông Mekong. Trung Quốc cho đến nay đã xây tổng cộng 11 con đập thủy điện ở thượng nguồn sông. Các nước ở hạ nguồn đều gặp hạn hán nghiêm trọng hồi năm ngoái khi mực nước sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục, làm chết cá và đe dọa sinh kế của hàng triệu người.

Tuy nhiên, một báo cáo do Đại học Thanh Hoa và Viện Tài nguyên nước của Trung Quốc thực hiện đã đưa ra lập luận rằng các đập của Trung Quốc giúp điều tiết tình trạng hạn hán tại khu vực sông Mekong.

Ủy hội sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam hồi tháng 6 đã ra tuyên bố nói rằng, mực nước thấp kỷ lục trên sông Mekong cho thấy Trung Quốc cần thiết phải công khai các dữ liệu kịp thời từ các đập để các quốc gia láng giềng có thể dự báo các tình huống xấu.