1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ chỉ trích Trung Quốc “thao túng dòng chảy sông Mekong”

Thành Đạt

(Dân trí) - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc “thao túng” dòng chảy sông Mekong là thách thức khẩn cấp đối với các nước trong khu vực.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc “thao túng dòng chảy sông Mekong” - 1

Một người đánh cá trên sông Mekong (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại hội nghị do Viện Hòa bình Mỹ và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore tổ chức, David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 3/9 cho rằng vấn đề dòng chảy sông Mekong là một trong những “xu hướng phức tạp” tại khu vực Mekong.

“Một thách thức đặc biệt khẩn cấp là Trung Quốc thao túng dòng chảy sông Mekong vì lợi ích riêng của nước này trong khi các nước hạ nguồn phải trả giá đắt”, ông Stilwell nói.

Theo SCMP, bình luận của trợ lý ngoại trưởng Mỹ là tín hiệu mới nhất cho thấy con sông dài 4.350 km, nơi hỗ trợ cuộc sống của 60 triệu người Đông Nam Á, đã trở thành mặt trận mới trong căng thẳng Mỹ - Trung.

Ông Stilwell dẫn một báo cáo gần đây cho biết “Trung Quốc đã thao túng dòng chảy dọc sông Mekong suốt 25 năm, trong đó tình trạng gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra cùng thời điểm xây dựng và vận hành các đập lớn”.

Mặc dù ông Stilwell không nêu tên báo cáo, nhưng Mỹ và Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đưa ra nhưng nghiên cứu “đối đầu” nhau về tình trạng dòng chảy trên sông Mekong.

Một báo cáo của tổ chức Eyes on Earth có trụ sở tại Mỹ hồi tháng 4 kết luận các đập của Trung Quốc đã giữ lại 47 tỷ m3 nước sông Mekong. Trung Quốc cho đến nay đã xây tổng cộng 11 con đập thủy điện ở thượng nguồn sông.

Một báo cáo khác do Đại học Thanh Hoa và Viện Tài nguyên nước của Trung Quốc thực hiện đã đưa ra lập luận ngược lại với báo cáo của Mỹ. Báo cáo này nói rằng các đập của Trung Quốc giúp điều tiết tình trạng hạn hán tại khu vực sông Mekong.

Ông Stilwell cảnh báo khủng hoảng sông Mekong đã “tàn phá mùa màng, đe dọa an ninh lương thực và nguồn nước trong khu vực”.

“Những điều này nhiều khả năng sẽ gây ra sự bất ổn lớn hơn. Mỹ vẫn đang làm việc với các nước sông Mekong, Ủy hội sông Mekong và các đối tác quốc tế để đảm bảo lời kêu gọi minh bạch dữ liệu nước từ Trung Quốc được hồi đáp”, nhà ngoại giao Mỹ cho biết.

Ủy hội sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam hồi tháng 6 đã ra tuyên bố nói rằng, mực nước thấp kỷ lục trên sông Mekong cho thấy Trung Quốc cần thiết phải công khai các dữ liệu kịp thời từ các đập để các quốc gia láng giềng có thể dự báo các tình huống xấu.

Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đều gặp hạn hán nghiêm trọng hồi năm ngoái khi mực nước sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục, làm chết cá và đe dọa sinh kế của hàng triệu người.

Ngoại trưởng của 10 nước ASEAN và những người đồng cấp từ các đối tác toàn cầu, gồm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tuần tới sẽ tham gia một loạt cuộc họp trực tuyến, bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) được tổ chức thường niên.

Trong tuyên bố hôm 2/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngoài các cuộc họp liên quan tới ASEAN đã được lên kế hoạch từ trước, Ngoại trưởng Pompeo sẽ đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Mỹ - Mekong với 5 nước hạ nguồn sông Mekong.

Ông Stilwell cho biết ông hy vọng các nước ASEAN sẽ tiếp tục sử dụng “tiếng nói tập thể mạnh mẽ” để thúc đẩy các lợi ích của mình.

Ngoại trưởng Mỹ từng cảnh báo các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong tập trung kiểm soát nguồn nước ở hạ nguồn. Trong khi đó, Bắc Kinh luôn bác bỏ trách nhiệm liên quan tới mực nước thấp ở hạ nguồn. Ngoại trưởng Vương Nghị năm ngoái nói rằng Trung Quốc đã xả nhiều nước hơn theo đề nghị của Thái Lan khi nước này gặp hạn hán.