1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ hối thúc kết nạp Thụy Điển vào NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ ủng hộ kết nạp Thụy Điển vào NATO, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối.

Mỹ hối thúc kết nạp Thụy Điển vào NATO - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hội đàm tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm 5/7 tại Nhà Trắng.

Tổng thống Biden cho biết ông "rất nóng lòng mong chờ tư cách thành viên của Thụy Điển" trong NATO.

Theo Thủ tướng Kristersson, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius, Lithuania sắp tới là thời điểm phù hợp để hoàn tất việc kết nạp Thụy Điển vào liên minh.

"Nhưng cả hai chúng tôi cũng biết rằng chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đưa ra các quyết định của họ", ông Kristersson nói với các phóng viên tại đại sứ quán Thụy Điển ở Washington.

Các lãnh đạo NATO hy vọng có thể phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Lithuania trong tháng này.

Một nước muốn gia nhập NATO cần được sự phê chuẩn của toàn bộ 31 thành viên liên minh. Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/7 cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào tuần tới.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, ông Blinken đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của sự đoàn kết NATO vào thời điểm này", đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Thụy Điển gia nhập NATO.

Sau hơn 200 năm duy trì trạng thái trung lập, Thụy Điển năm ngoái đã nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với Phần Lan sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO sau các cuộc biểu tình ở Stockholm do các nhóm bài Hồi giáo và ủng hộ người Kurd tổ chức.

Phần Lan và Thụy Điển đã phải ký vào biên bản ghi nhớ với Ankara về cam kết giải quyết các lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến những tổ chức khủng bố, song không đề cập đến vấn đề bài Hồi giáo.

Theo Reuters