1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển "nổi sóng" vì cuộc biểu tình tranh cãi

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, Thụy Điển có thể tiếp tục bỏ lỡ thời cơ gia nhập NATO sau khi căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát vì Stockholm cho phép tổ chức một cuộc biểu tình gây tranh cãi.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển nổi sóng vì cuộc biểu tình tranh cãi - 1

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (Ảnh: Anadolu).

Ngày 28/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã chỉ trích quyết định của chính quyền Thụy Điển cho phép tổ chức một cuộc biểu tình quy mô nhỏ bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm.

Điểm gây tranh cãi là cuộc biểu tình này có hoạt động đốt kinh Koran - cuốn sách linh thiêng của Hồi giáo. Điều này khiến quốc gia dân số Hồi giáo chiếm đa số như Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ.

Cảnh sát Thụy Điển giải thích, quyết định đồng ý cho tổ chức cuộc biểu tình đốt kinh Koran là phù hợp với quyền tự do ngôn luận, đồng thời cho biết thêm rằng sự kiện không gây ra rủi ro an ninh tức thời.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã dùng những từ ngữ rất mạnh để chỉ trích cuộc biểu tình. "Không thể chấp nhận được việc cho phép những hành động bài Hồi giáo này dưới cái cớ tự do ngôn luận. Làm ngơ trước những hành động tàn ác như vậy là đồng lõa", ông Fidan nói.

Fahrettin Altun, giám đốc truyền thông của chinh phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay: "Chúng tôi phát ốm và mệt mỏi khi một số chính quyền châu Âu, đặc biệt là Thụy Điển tạo điều kiện cho chủ nghĩa bài Hồi giáo và các hành động thù ghét với tôn giáo của chúng tôi".

Ông nói: "Những nước tìm cách trở thành đồng minh của chúng tôi trong NATO thì không thể dung thứ hoặc cho phép các hành vi phá hoại của những kẻ bài ngoại và bài Hồi giáo".

Theo giới quan sát, động thái của Thụy Điển có thể khiến họ tiếp tục "lỡ hẹn" với việc được kết nạp vào NATO trước hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7 sắp tới.

Trước đó, NATO đã đặt ra mục tiêu kết nạp Thụy Điển trước ngày 11/7 - thời điểm hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra ở Vilnius, Lithuania. Tuy nhiên, với bầu không khí căng thẳng như hiện tại giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, mục tiêu trên có thể đang xa vời.

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO có tầm quan trọng chiến lược do vị trí địa lý ở cả Trung Đông và châu Âu, đồng thời có sức mạnh quân sự lớn thứ 2 trong liên minh - là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.

Căng thẳng giữa 2 bên còn liên quan tới chính sách của Thụy Điển với các phần tử thuộc tổ chức Đảng công nhân người Kurd (PKK). Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xem PKK là khủng bố vì lực lượng này từng tổ chức cuộc nổi dậy hồi những năm 1980 chống lại chính quyền Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Thụy Điển phải có lập trường rõ ràng hơn chống lại những phần tử mà Ankara coi là khủng bố.

Ngày 27/6, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố nước này đã đáp ứng tất cả yêu cầu do Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra để gia nhập NATO.

Theo Ngoại trưởng Billstrom, với việc thông qua luật chống khủng bố mới, Thụy Điển đã hoàn tất các yêu cầu cuối cùng để gia nhập NATO trong một thỏa thuận ba bên giữa Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ.

"Thụy Điển hoàn toàn ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại tất cả mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ và lên án tất cả các tổ chức khủng bố, bao gồm PKK, thực hiện các cuộc tấn công chống lại Thổ Nhĩ Kỳ", ông Billstrom nói.

Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm