1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ giành thế chủ động tại Syria, ưu thế trước Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ muốn đơn vị không gian bí mật tham gia diệt IS, cùng đồng minh tăng cường phong tỏa lối biên giới với Iraq.

Theo Washington Post, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm 12/5 cùng các quan chức cấp cao thăm Trung Tâm Điều hành Không gian Liên cơ quan (JICSpOC) được thành lập vào mùa thu năm ngoái. Ông nhấn mạnh đơn vị này có vai trò không chỉ trong việc chuẩn bị cho nguy cơ xung đột với các nước đối thủ, mà còn trong chống khủng bố.

"Tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng chúng ta đang trong cuộc chiến với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), và tôi đã chỉ thị cho cộng đồng cơ quan không gian tham gia cuộc chiến, nghiên cứu xem họ có thể đóng góp gì cho cuộc chiến", ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong chuyến thăm cơ sở không gian. Ảnh: US Air Force
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong chuyến thăm cơ sở không gian. Ảnh: US Air Force

Đô đốc Cecil D. Haney, tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, trước đó cho biết "các tổ chức cực đoan bạo lực" đã tiếp cận các công nghệ vũ trụ để mã hóa thông tin liên lạc.

Trong một tuyên bố tại Lầu Năm Góc hôm thứ 6, ngày 13/5, ông Carter cũng khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu của liên minh do Mỹ lãnh đạo là phong toả khu vực duy nhất còn sót lại dọc theo biên giới Syria mà các chiến binh người nước ngoài dùng để ra vào những khu vực do nhóm Nhà nước Hồi giáo kiểm soát.

Đại tá Steve Warren, người phát ngôn liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu cho biết, những vụ không kích nhắm vào xe bồn và giếng dầu của Nhà nước Hồi giáo đã làm cho nguồn thu dầu lửa của nhóm này giảm đi 50%. Bên cạnh đó, số chiến binh người nước ngoài gia nhập Nhà nước Hồi giáo cũng giảm 75%.

Ông Warren nói tuy chiến binh Nhà nước Hồi giáo tiếp tục bị mất đất đai ở Iraq, gần đây họ đã chiếm được hai thị trấn nhỏ ở tây bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, tại thủ phủ tự xưng ở Raqqa, Syria, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đang báo động khẩn cấp do các thông tin cho rằng, nhóm này sắp tới sẽ bị bao vây.

"Chúng tôi thấy Raqqa được đặt trong tình trạng khẩn cấp", CNN dẫn lời Đại tá Steve Warren nói. "Chúng tôi hiểu kẻ địch cảm thấy bị đe dọa".

Thông tin trên truyền thông cho biết IS đang điều động phiến quân quanh Raqqa và che chắn những khu vực có thể trở thành mục tiêu bị không kích hoặc tấn công trên bộ.

"Chúng cảm thấy các lực lượng Dân chủ Syria, cùng với Liên minh Arab Syria, tiến quân về phía đông và tây của chúng", Warren nói. "Cả hai khu vực đều được tăng cường bảo vệ".

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters.

Một động thái mới từ Bỉ, quốc gia lần đầu tham chiến tại Syria trong nhóm do Mỹ dẫn đầu đã bắt đầu tiến công không kích IS từ Iraq sang Syria.

Bỉ đã thông báo mở rộng chiến dịch không kích IS từ Iraq sang cả Syria, gần 2 tháng sau cuộc tấn công khủng bố ở thủ đô Brussels khiến 32 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, theo New York Times ngày 13/5.

Người phát ngôn Barend Leyts của Thủ tướng Bỉ nói rằng không thể nào tiêu diệt được tận gốc IS khi chỉ ném bom tại Iraq. “Chúng tôi phải đến Syria để giải quyết chúng”, ông Leyts nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Steven Vandeput thì bác bỏ các mối lo ngại rằng việc không kích tại Syria, sào huyệt của IS, sẽ kích động tổ chức này thực hiện thêm các cuộc tấn công ở Bỉ.

“Đằng nào IS cũng đang lên kế hoạch tiếp tục tấn công phương Tây. Chúng ta là một phần của liên quân quốc tế từ lúc bắt đầu, chúng ta cũng là nước đặt trụ sở của NATO và EU. Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề này, chúng ta phải chiến đấu chống IS ngay hang ổ của chúng”, ông Vandeput nói.

Nga tiếp tục kêu gọi đàm phán trực tiếp

Trong khi đó, Nga vẫn đang rất kiên trì với việc yêu cầu người Kura tham gia đàm phán trong bàn đàm phán hòa bình ở Syria.

RIA Novosti đưa tin, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Moscow ngày 13/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết, Moscow sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề sự tham gia của người Kurd vào quá trình đàm phán tại Geneva tại cuộc họp của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria diễn ra ở Vienna sắp tới.

“Chúng tôi liên tục đề cập tới vấn đề này, và dĩ nhiên trong cuộc họp sắp tới tại Vienna chúng tôi sẽ tiếp tục nêu rõ quan điểm về vấn đề này. Moscow chia sẻ quan điểm về sự tham gia của người Kurd vào quá trình đàm phán về Syria với mọi đối tác của mình và tin rằng, đó là điều hết sức cần thiết” – ông Galitov khẳng định.

“Người Kurd là lực lượng chính trị và quân sự quan trọng ở Syria. Các cuộc đàm phán tại Geneva không thể bàn về cấu trúc tương lai của nhà nước Syria và các giải pháp giải quyết các vấn đề người dân nước này đang phải đối mặt mà thiếu đi sự tham gia của lực lượng này” – nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Nga yêu cầu đặt người Kurd vào trong cuộc đàm phán hòa bình Syria.
Nga yêu cầu đặt người Kurd vào trong cuộc đàm phán hòa bình Syria.

Cũng trong buổi họp báo tại Moscow, Thứ trưởng Gennady Gatilov tuyên bố, Nga kêu gọi các bên tham gia đàm phán về hòa bình cho Syria (tại Geneva) sẽ bắt đầu các cuộc đối thoại trực tiếp mặc dù cho tới nay điều kiện để các bên ngồi vào đàm phán trực tiếp vẫn chưa được thiết lập.

“Đàm phán trực tiếp là phương pháp hiệu quả nhất… Một vấn đề khác làm cản trở quá trình đàm phán trực tiếp, đó là chưa có một đoàn đại biểu thống nhất của phe nhóm đối lập Syria. Tới nay phái đoàn này chưa được thành lập, thực tế đó gây bất lợi để bắt đầu các cuộc đối thoại trực tiếp” – ông Galitov kết luận.

Theo Thạch Tú (Tổng hợp)

Đất Việt