Mỹ, EU đề nghị các bên tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài
(Dân trí) - Mỹ ngày 12/7 đã hối thúc các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông tránh đưa ra những tuyên bố hay hành động khiêu khích sau khi Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
Trong một thông báo hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: "Quyết định của PCA liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một đóng góp quan trọng cho việc giải quyết hoà bình các tranh chấp tại Biển Đông. Mỹ hối thúc tất cả các bên tôn trọng quyết định hợp pháp của toà án và tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng".
Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk ngày 12/7 đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng hệ thống pháp luật quốc tế. Phát biểu tại Bắc Kinh trong phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, Chủ tịch Tusk đã kêu gọi nước này bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên luật pháp", đồng thời cho rằng nhiệm vụ này "có thể là thử thách lớn nhất phía trước chúng ta".
Theo chủ tịch Tusk, cơ chế pháp lý toàn cầu về luật pháp và quy định "có thể mang tới nhiều lợi ích cho các quốc gia". Ông nói: "Nếu có nhiều ý kiến cho rằng toàn cầu hoá và thương mại quốc tế diễn ra mà không có hoặc chống lại những quy định chung, vậy những nạn nhân đầu tiên sẽ là nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu, không phải người dân ở các nước này".
Tuyên bố được ông Donald Tusk đưa ra sau khi phía Trung Quốc cho biết nước này không chấp nhận phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) về đường chín đoạn" cũng như bất kỳ phán quyết nào mà tòa này đưa ra. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng phán quyết của PCA sẽ khiến những tranh chấp trên Biển Đông trở nên căng thẳng hơn.
Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia đã kêu gọi tất cả các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Những tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi PCA ra phán quyết thắng lợi cho Philippines trong vụ kiện phủ nhận "cơ sở pháp lý" của đòi hỏi chủ quyền "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng rằng mục tiêu cuối cùng mang lại lợi ích cho người dân cũng cần dựa trên sự phát triển liên tục, ổn định và hoà bình của Biển Đông. Tình hình tại vùng biển này cần được giải quyết thông qua những nỗ lực cụ thể và bằng mọi biện pháp, dựa trên nguyên tắc tin tưởng và xây dựng lòng tin lẫn nhau, cũng như lợi ích bình đẳng, để phán ánh quan hệ tự nhiên lâu dài giữa ASEAN và Trung Quốc".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Indonesia đã hối thúc tất cả các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông kiềm chế và không hành động theo hướng sẽ làm gia tăng căng thẳng. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng kêu gọi tất cả các bên tiếp tục duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực.
Trước đó, cũng trong chiều 12/7, Nhật Bản cũng đã có phản ứng về việc Tòa thường trực đưa ra phán quyết bác bỏ những yêu sách không có căn cứ pháp lý của Trung Quốc về đường 9 đoạn ở Biển Đông. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ ủng hộ phán quyết của PCA, cho rằng đây là quyết định cuối cùng, có giá trị pháp lý và các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này.
Ngọc Anh
Tổng hợp