Mỹ, EU cam kết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo EU là ông Charles Michel và bà Ursula von der Leyen đã tái khẳng định sự cần thiết phải giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong cuộc gặp hôm 20/10.
Lần cuối cùng các nhà lãnh đạo gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh chính thức là vào tháng 6/2021. Hai năm sau, liên minh xuyên Đại Tây Dương đã có nhiều thay đổi.
"Ngày nay, hơn bao giờ hết, thế giới cần một liên minh EU - Mỹ mạnh mẽ để giải quyết những thách thức", ông Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết.
Tuyên bố chung Mỹ - EU vào năm 2021 chỉ có một đoạn về Trung Quốc. Nhưng tuyên bố hôm 20/10 có 5 đoạn, báo hiệu sự phức tạp trong cách tiếp cận của liên minh đối với Bắc Kinh.
"Chúng tôi sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, thừa nhận tầm quan trọng của việc tương tác thẳng thắn và việc trực tiếp bày tỏ quan ngại của chúng tôi", tuyên bố cho biết.
Trong khi kêu gọi Bắc Kinh hợp tác, Mỹ và EU đặt ra một số nguyên tắc để tạo điều kiện cho mối quan hệ kinh tế bền vững với Trung Quốc.
Những biện pháp đó bao gồm thúc đẩy sân chơi bình đẳng, bảo vệ các công nghệ tiên tiến có thể được dùng để đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc và tình trạng dễ bị tổn thương nghiêm trọng.
"Chúng tôi không phân tách hoặc hướng vào phía trong. Đồng thời, chúng tôi nhận ra rằng sức chống chịu kinh tế đòi hỏi phải giảm rủi ro và đa dạng hóa", tuyên bố nói.
Các nhà lãnh đạo cho biết họ vẫn "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như "phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép".
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển.
"Không có thay đổi nào trong chính sách một Trung Quốc của Mỹ hoặc của Liên minh châu Âu", tuyên bố nói thêm.
Tuyên bố cũng kêu gọi Trung Quốc "gây áp lực buộc Nga chấm dứt xung đột và rút quân ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine".
Về tình hình Trung Đông, các nhà lãnh đạo lên án Hamas và khẳng định Israel có quyền tự vệ. Họ cũng bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường.
Các nhà lãnh đạo kêu gọi thả ngay lập tức tất cả con tin, khẳng định rằng giải pháp 2 nhà nước vẫn là con đường khả thi dẫn đến hòa bình lâu dài giữa người Israel và người Palestine.
"Chúng ta cũng phải tích cực làm việc để ngăn chặn sự leo thang trong khu vực. Tôi đặc biệt lo ngại về Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này", bà Von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cho biết.
Các nhà lãnh đạo cho biết trong tuyên bố của mình rằng họ cam kết hỗ trợ Ukraine "trong chừng mực cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình". Mỹ và Liên minh châu Âu cùng với các nhà tài trợ quốc tế khác "sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho Ukraine".