1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ dùng công nghệ nào đối phó với hệ thống tên lửa S-400 của Nga?

(Dân trí) - Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest, chuyên gia về quân sự Dave Majumdar đã phân tích về biện pháp đối phó của Hải quân Mỹ trước hệ thống tên lửa S-400 đầy sức mạnh của Nga.


Chiến đấu cơ EA-18G Growler. (Ảnh: National Interest).

Chiến đấu cơ EA-18G Growler. (Ảnh: National Interest).

Nga giương tên lửa tối tân S-400 trên bầu trời Syria

Hải quân Mỹ đã quyết định nâng cấp phi đội Boeing EA-18G Growler bằng hệ thống liên kết dữ liệu tốc độ cao có tên gọi Công nghệ mạng lưới dò mục tiêu chiến thuật (TTNT) và các phần cứng khác sau khi những công nghệ này được sử dụng tại cuộc tập trận Fleet Experiment 2015 mùa hè năm nay.

Theo Tập đoàn Boeing, tất cả các máy bay Growler đang được sản xuất sẽ được trang bị hệ thống liên kết dữ liệu mới nêu trên, trong khi những mẫu sẽ được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn mới.

Giám đốc quản lý chương trình F/A-18 and EA-18G của Hải quân Mỹ, Đại úy David Kindley cho biết: "Công nghệ dò mục tiêu này sẽ giúp các mẫu Growler có lợi thế đáng kể, đặc biệt trong môi trường ngày càng có nhiều mối đe dọa và khả năng nhằm vào mục tiêu tầm xa đóng vai trò cực kỳ quan trọng".

Quyết định nâng cấp cũng sẽ cho phép các mẫu Growler tăng cường khả năng phối hợp nhằm chống lại những hệ thống của đối phương. Theo Boeing, các nâng cấp này gồm bộ xử lý dò mục tiêu, hệ thống liên kết dữ liệu biên độ cao và 1 máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Windows. Việc nâng cấp được cho là cần thiết để đối phó với những thay đổi trong môi trường tác chiến hiện nay.

"Môi trường tác chiến ngày càng có nhiều thay đổi. Công nghệ tấn công tầm xa đóng vai trò quan trọng cũng như khả năng năng tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại", ông Dan Gillian, Phó Giám đốc quản lý chương trình F/A-18 và EA-18G của tập đoàn Boeing chia sẻ.

Trong cuộc tập trận Fleet Experiment 2015, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm hệ thống mới nêu trên. Một nguồn tin cho biết quá trình này cần ít nhất hai máy bay EA-18 Growler có kết nối hệ thống truyền tải dữ liệu nhanh với nhau và một máy bay E-2D Hawkeye của tập đoàn Northrop Grumman để có thể thực hiện một vụ tấn công sau khi phân tích chính xác vị trí của mục tiêu đe dọa.

Với ba địa điểm phân tích khác nhau, Hải quân Mỹ có thể thu hẹp vị trí của mối đe dọa, từ đó khoanh vùng đối tượng và thực hiện vụ tấn công. Phương thức tấn công này được đánh giá sẽ hiệu quả hơn khi có sự phối hợp của ba mẫu Growler. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng mẫu E-2D Advanced Hawkeye có thể mang tới những tính năng khác so với một chiếc EA-18G.

Công nghệ mới giúp Hải quân Mỹ có được ưu thế khi chiến đấu trong môi trường bị đe dọa bởi các hệ thống phòng không tiên tiến, bao gồm những hệ thống radar VHF có khả năng theo dõi máy bay có khả năng tàng hình hay các hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại như S-400 Triumf của Nga hay HQ-9 của Trung Quốc.

Trước đây, công nghệ của Mỹ để phá hủy các hệ thống phòng không của đối phương thường dựa phần lớn vào hình ảnh vệ tinh và các máy bay thu thập thông tin tình báo tầm xa rồi đưa ra nhận định tương đối về vị trí mà đối phương đặt vũ khí. Tuy nhiên, công nghệ này bị đánh giá không còn hiệu quả trong trường hợp đối phương không đặt cố định các hệ thống vũ khí.

Ngọc Anh

Theo National Interest