Mỹ, Đức từng cảnh báo ngừng cấp Patriot cho Ukraine?
(Dân trí) - Truyền thông Đức nói rằng nước này và Mỹ dường như đã phát đi cảnh báo ngừng cấp Patriot cho Ukraine vì Kiev đã sử dụng vũ khí này không đúng theo quy định.
Nhật báo Đức Bild dẫn nguồn tin cho hay, quân đội Ukraine dường như đã sử dụng hệ thống Patriot do Berlin viện trợ vượt quá mức tự vệ ít nhất một lần. Điều này được cho đã khiến cả Đức và Mỹ phản ứng, cảnh báo cắt viện trợ tên lửa đánh chặn cho Ukraine nếu kịch bản này tái diễn.
Theo Bild, Ukraine dường như đã sử dụng hệ thống Patriot trong một cuộc tấn công tự động. Điều này không đúng với quy định do Mỹ và Đức đặt ra lúc cấp cho Kiev hệ thống phòng không.
Theo đó, Ukraine vẫn bị Mỹ và Đức không cho phép dùng vũ khí viện trợ tấn công vào máy bay Moscow bay trên không phận Nga. Kiev phải chờ máy bay Nga ném bom, phóng tên lửa rồi mới được khai hỏa chống lại chúng trên không phận Ukraine.
Theo Bild, máy bay Nga tấn công khu vực Kharkov ở biên giới hàng ngày. Tính tới nay, Nga bắn ném hàng loạt tên lửa, bom lượn, pháo xuống các mục tiêu của Ukraine. Tuy nhiên, Kiev vẫn bị Mỹ và Đức cấm dùng vũ khí để đáp trả vì lo ngại chúng sẽ bay sang lãnh thổ Nga, khiến căng thẳng leo thang dữ dội hơn.
Rất nhiều căn cứ của Nga về lý thuyết nằm trong tầm tấn công của vũ khí Mỹ, Đức nhưng tới nay Washington và Berlin vẫn duy trì sự thận trọng chiến lược.
"Ukraine bị cấm sử dụng các hệ thống phòng không của phương Tây để chống lại các cuộc tấn công từ máy bay Nga. Ukraine phải đợi cho đến khi máy bay ném bom Nga phóng tên lửa hành trình và chúng ở trên lãnh thổ Ukraine để đánh chặn. Quân đội Ukraine từng sử dụng hệ thống Patriot vượt quá mức tự vệ. Ngay lập tức, họ nhận được cuộc gọi từ Mỹ và Đức cảnh báo chấm dứt nguồn cung Patriot nếu điều này còn tái diễn", Bild viết.
Tuy nhiên, sau 27 tháng Nga mở chiến dịch quân sự, một số quốc gia phương Tây đã bắt đầu nới lỏng quy định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, ví dụ như Anh, Thụy Điển.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nhiều loại vũ khí của phương Tây sử dụng đạn dược của Mỹ sản xuất. Mặt khác, Mỹ và Đức cũng là những bên viện trợ lớn nhất cho Ukraine, nên Kiev vẫn phải tuân theo nguyên tắc của Washington và Berlin.
Theo Bild, tới lúc này, mục tiêu của Đức và Mỹ về cơ bản vẫn giống như nhau: Chiến thắng cho Ukraine nhưng không khiến xung đột lan rộng vượt ngoài tầm kiểm soát.
Điều này đã khiến phía Ukraine không hài lòng. Các nghị sĩ Ukraine nói với Politico rằng, việc Mỹ cấm Ukraine sử dụng vũ khí Washington viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga dường như giúp phía Moscow đạt được đà tiến dồn dập ở Kharkov trong thời gian qua vì Kiev không thể ngăn cản đối thủ ở khu vực biên giới 2 nước.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng, tầm bắn từ 70-160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Nó có thể đánh chặn nhiều mục tiêu trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.