Mỹ đưa tàu qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc cảnh báo "đừng đùa với lửa"
(Dân trí) - Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan giữa lúc căng thẳng leo thang trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 23/11 tuyên bố tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần "phô diễn sức mạnh và khiêu khích" ở eo biển Đài Loan với danh nghĩa "tự do hàng hải".
"Phía Mỹ nên ngay lập tức sửa chữa những sai lầm của mình, ngừng thực hiện các hành động khiêu khích, thách thức giới hạn và đùa với lửa, đồng thời đóng vai trò mang tính xây dựng hơn đối với hòa bình và ổn định khu vực", ông Triệu Lập Kiên cảnh báo.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Hạm đội 7 của Mỹ ngày 22/11 thông báo, lực lượng này đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Milius đi qua eo biển Đài Loan. Mỹ cho biết đây là hoạt động thường kỳ của tàu Mỹ đi qua các vùng biển quốc tế và phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", thông cáo của Hạm đội 7 cho biết, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Bộ Tư lệnh Chiến khu phía đông của quân đội Trung Quốc đã triển khai lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu chiến Mỹ tại eo biển Đài Loan. Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh cho biết hành động của Mỹ "gây ra rủi ro an ninh và phá hoại sự ổn định của khu vực".
Các tàu chiến của Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Tháng trước, quân đội Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Dewey đi qua khu vực này.
Trung Quốc đưa máy ném bom áp sát Đài Loan
Trung Quốc gần đây cũng tăng cường các hoạt động gần Đài Loan nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới hòn đảo. Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, 9 máy bay Trung Quốc, trong đó có 2 máy bay ném bom H-6, đã bay đến khu vực phía nam của hòn đảo hôm 21/11. Các máy bay này đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Phía Đài Loan đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động của các máy bay Trung Quốc. Đài Loan cũng phát cảnh báo qua vô tuyến khi phát hiện máy bay Trung Quốc hoạt động gần hòn đảo.
Trước đó, ngày 6/11, 16 máy bay chiến đấu Trung Quốc, gồm 10 máy bay J-16 và 6 máy bay J-10, đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không ở phía tây nam của hòn đảo. Một ngày sau đó, Đài Loan cho biết 4 máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc tiếp tục tiến vào khu vực này.
Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời, cần được thống nhất bằng mọi giá kể cả dùng vũ lực.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước thông báo, Mỹ và Đài Loan tổ chức "Đối thoại Kinh tế Thịnh vượng Mỹ - Đài Loan" vào ngày 22/11 nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế. Thông báo cho biết quan hệ đối tác Mỹ - Đài Loan được xây dựng dựa trên thương mại và đầu tư hai chiều.
Cuộc đối thoại diễn ra chỉ vài ngày sau hội nghị trực tuyến Mỹ - Trung giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó Đài Loan là vấn đề trọng tâm.
Liu Pengyu, phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đã chỉ trích cuộc đối thoại Mỹ - Đài Loan sắp tới là hành động vi phạm cam kết của Mỹ với Trung Quốc.
"Tổng thống Biden đã nói trong cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng chính phủ Mỹ cam kết với nguyên tắc Một Trung Quốc và không ủng hộ Đài Loan độc lập", ông Liu nói.
Ông Liu kêu gọi chính phủ Mỹ "ngừng mọi hình thức trao đổi và tiếp xúc chính thức với Đài Loan để tránh gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Trung - Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".