Mỹ đóng băng USAID: Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể thế chân?
(Dân trí) - Với việc tương lai của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) không rõ ràng, Trung Quốc có thể đẩy mạnh Sáng kiến Vành đai và Con đường cho các quốc gia đang cần cơ sở hạ tầng, chuyên gia nhận định.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích, đồng thời ra lệnh tạm đóng băng ngân sách cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) có thể là cơ hội để Trung Quốc thế chân thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), các nhà phân tích nhận định.
Sáng kiến 12 năm tuổi này cung cấp các khoản vay để xây dựng đường cao tốc, cảng biển và nhà máy điện ở hàng chục quốc gia đang phát triển, nhiều quốc gia trong số đó cũng nhận được tài trợ từ USAID, cơ quan mà ông Trump vừa cho tạm dừng hoạt động.
Các quốc gia phụ thuộc vào chương trình viện trợ 64 năm tuổi này có thể tìm đến Trung Quốc để nhận hỗ trợ hoặc các khoản đầu tư ưu đãi khác cho các dự án cơ sở hạ tầng, trừ khi Trung Quốc chủ động đề xuất trước.
"Hiện đang có một khoảng trống. Mặc dù BRI không phải là viện trợ, nhưng nó liên quan đến cơ sở hạ tầng, năng lượng, nước sạch", giáo sư Sharif Naubakhar về chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết.
Trong khi đó, giáo sư kinh tế ứng dụng và chính sách Christopher Barrett tại Đại học Cornell (Mỹ) hôm 3/2 cho rằng, Trung Quốc sẽ có lợi khi USAID ngừng hoạt động vì Bắc Kinh đang tìm cách "tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng ở nước ngoài" và nỗ lực "xây dựng các liên minh không nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ".
Bangladesh, quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế, có khả năng sẽ là một trong những nước đầu tiên tìm đến Trung Quốc nếu USAID dừng hoạt động, theo phân tích ngày 29/1 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức tư vấn của Mỹ.
"Nếu Mỹ từ bỏ vai trò của mình ở một quốc gia muốn có quan hệ với Mỹ và có thể trở thành đối tác chiến lược lớn của Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tăng cường viện trợ và cho Bangladesh vay nhiều hơn nữa", báo cáo của CFR cho biết.
Chính phủ lâm thời của quốc gia Nam Á này đang gặp khó khăn với nợ nần, tăng trưởng kinh tế chậm lại và đồng nội tệ mất giá. Trung Quốc đã hỗ trợ nhiều dự án trong khuôn khổ sáng kiến này tại Bangladesh và ủng hộ chính phủ lâm thời, theo CFR.
Việc ông Trump ngừng viện trợ nước ngoài đã đóng băng hàng tỷ USD thường được USAID điều phối trước đây.
Các quan chức Trung Quốc cho biết vào năm 2023 rằng khoảng 150 quốc gia đang tham gia chương trình BRI. Giá trị thương mại của Trung Quốc với các quốc gia tham gia chiếm hơn 50% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu của nước này lần đầu tiên vào năm ngoái, với mức tăng trưởng nhập khẩu và xuất khẩu đạt 6,4%, một quan chức hải quan cho biết vào tháng trước.
"Điều rõ ràng là ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm, các quốc gia khác sẽ bổ sung vào khoảng trống và Trung Quốc là một trong số đó", ông Jayant Menon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng BRI vẫn còn những hạn chế. Họ cho biết Trung Quốc đã thu hẹp quy mô của sáng kiến này trong 2 năm qua.
Trước đó, nhiều ý kiến cảnh báo từ phương Tây rằng các quốc gia có nguy cơ rơi vào "bẫy nợ" khi tham gia BRI, nhưng Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ những nghi ngờ này.
Ngoài ra, BRI cũng không bao phủ tất cả các hoạt động của USAID, giáo sư Naubakhar cho biết. USAID còn hỗ trợ cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng.
Mặt khác, các chương trình viện trợ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu cũng có thể bù đắp một phần cho những công việc của USAID tại các khu vực nghèo hơn trên thế giới nếu chương trình của Mỹ chấm dứt hoàn toàn, chuyên gia Menon kết luận.