1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ dọa phá hủy đầu đạn hạt nhân của Nga

(Dân trí) - Mỹ sẽ cân nhắc phá hủy các tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga nếu chúng đi vào hoạt động, đại diện thường trực của Mỹ tại NATO cảnh báo sau khi cáo buộc Moscow đang phát triển một loại vũ khí vi phạm hiệp ước về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai bên.


Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison (Ảnh: Reuters)

Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison (Ảnh: Reuters)

Theo RT, Mỹ tin rằng, Nga đang phát triển một hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và có thể cho phép Nga triển khai một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào châu Âu trong khoảng thời gian ngắn. Washington cho rằng, động thái này là vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/10, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison, cho biết Mỹ tiếp tục theo đuổi các biện pháp ngoại giao, nhưng cũng sẵn sàng cân nhắc một cuộc tấn công quân sự nếu Nga tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa tầm trung đó.

"Khi đó, chúng tôi sẽ tính đến khả năng phá hủy tên lửa Nga có thể tấn công bất cứ quốc gia thành viên nào của NATO", bà Hutchison nói. Trong một bình luận sau đó trên Twitter, bà Hutchison giải thích rõ rằng, bà không hàm ý về một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga. "Ý tôi là Nga cần trở lại tuân thủ Hiệp ước INF hoặc chúng tôi buộc phải sử dụng năng lực để bảo vệ các lợi ích của Mỹ và NATO".

Đáp lại cảnh báo của quan chức Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng bình luận của bà Hutchison là "khiêu khích, thiếu tính xây dựng" và Moscow sẽ tham vấn thêm các chuyên gia quân sự để có những phản ứng thích hợp.

Những cảnh báo này có thể làm căng thẳng hơn nữa quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn căng thẳng kể từ sau sự kiện Nga nhận sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014.

Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km. Hiệp định được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Mỹ và Nga nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước.

Minh Phương

Theo RT