Mỹ điều tra cáo buộc cựu Tổng thống Afghanistan "ôm tiền bỏ trốn"
(Dân trí) - Mỹ sẽ điều tra cáo buộc cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ôm hàng triệu USD bỏ trốn khỏi đất nước, ngay trước khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul hồi tháng 8.
"Chúng tôi vẫn chưa chứng minh được. Chúng tôi sẽ điều tra cáo buộc đó. Ủy ban Cải cách và Giám sát chính phủ đã đề nghị chúng tôi điều tra cáo buộc đó", Reuters dẫn lời ông John Sopko, Tổng thanh tra đặc phái của Mỹ tại Afghanistan, hôm 6/10 cho biết.
Văn phòng của ông Sopko phụ trách điều tra các vấn đề liên quan đến hoạt động tái thiết ở Afghanistan. Từ lâu văn phòng này đã điều tra các hoạt động gian lận, lãng phí và lạm dụng trong cuộc tái thiết của Mỹ tại Afghanistan.
Cựu Tổng thống Afghanistan cùng với một số quan chức thân cận, hàng chục vệ sĩ và quân nhân đã lên trực thăng rời thủ đô Kabul hôm 15/8 ngay trước khi lực lượng Taliban chiếm đóng thành phố này.
Đến nay vẫn còn nhiều đồn đoán về cuộc trốn chạy của ông Ghani. Đại sứ Afghanistan tại Tajikistan Mohammad Zahir Aghbar cáo buộc ông Ghani đã biển thủ 169 triệu USD công quỹ khi chạy khỏi đất nước. Người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Afghanistan Nikita Ishenko nói rằng, ông Ghani đã bỏ chạy cùng với 4 ô tô chất đầy tiền.
Tuy nhiên, ông Ghani đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này. "Đừng tin bất cứ ai nói với các bạn rằng, tổng thống đã bán đứng các bạn, đã bỏ trốn vì lợi ích riêng và để bảo toàn mạng sống của mình. Những cáo buộc đó là vô căn cứ", ông cho biết vài ngày sau khi chạy khỏi đất nước. Ông Ghani nói thêm, ông quyết định rời đi để tránh một cuộc chiến đẫm máu với Taliban.
Ông Ghani là tổng thống chính thức của chính quyền Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn. Một số cận vệ trong dinh tổng thống cho biết, ông Ghani quyết định rời đất nước trong chợp nhoáng và không có sự hỗ trợ của các quan chức Mỹ.
Mới đây, nhật báo địa phương Hasht e Subh bất ngờ dẫn các nguồn thạo tin hé lộ chi tiết hành trình trốn chạy của ông Ghani. Ông cùng khoảng hơn 50 người nữa đã lên 4 trực thăng khẩn cấp hôm 15/8. Các trực thăng này lần lượt hạ cánh xuống sân bay Termez của Uzbekistan bất chấp chưa có sự cho phép từ giới chức sở tại. Tại đây, ông Ghani và đoàn tháp tùng bị binh sĩ Uzbekistan quản thúc tại chỗ khoảng 31 giờ đồng hồ và không được ăn uống.
Ngày hôm sau, một máy bay bí mật đã đón ông Ghani và đoàn tháp tùng đến thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Đến ngày 18/8, Bộ Ngoại giao UAE ra thông cáo xác nhận, ông Ghani và gia đình đã được phép nhập cảnh vào UAE vì "lý do nhân đạo". Tuy nhiên, thông cáo không nêu chi tiết về điều kiện xin tị nạn của gia đình ông Ghani cũng như nơi ở chính xác của ông. Tuyên bố không lâu sau khi bỏ trốn, ông Ghani cho biết sẽ tìm cách trở về đất nước.
Tại Afghanistan, kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát, tình hình tại quốc gia này càng trở nên tồi tệ hơn. Do bị cắt nguồn dự trữ của ngân hàng trung ương và viện trợ chính phủ, Afghanistan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.
Afghanistan hiện rơi vào một cuộc khủng hoảng tiền mặt trầm trọng, khiến người lao động không được trả lương, buộc các công ty địa phương phải đóng cửa và các ngân hàng hạn chế rút tiền. Để bảo toàn số tiền dự trữ ít ỏi còn lại, Taliban đã tìm cách kiểm soát dòng vốn, bao gồm cấm người dân mang USD ra khỏi đất nước và hạn chế rút tiền ngân hàng ở mức 200 USD/tuần.