1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ điều 4 "pháo đài bay" B-1 tới sát Nga gửi thông điệp "rắn" về Bắc Cực

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đưa 4 máy bay ném bom B-1 tới sát cửa ngõ Nga, nhằm gửi thông điệp cứng rắn với Moscow tại khu vực Bắc Cực.

Mỹ điều 4 pháo đài bay B-1 tới sát Nga gửi thông điệp rắn về Bắc Cực - 1

Máy bay ném bom B-1 của Mỹ (Ảnh: AFP)

Truyền thông Mỹ đưa tin, không quân nước này lần đầu tiên trong lịch sử triển khai máy bay ném bom B-1 tới Na Uy, quốc gia láng giềng với Nga, với thông điệp rõ ràng gửi tới Moscow rằng Washington sẽ tăng cường hoạt động ở khu vực Bắc Cực có tầm quan trọng chiến lược.

Bốn máy bay B-1 và gần 200 quân nhân từ căn cứ không quân Dyess ở Texas đã được triển khai tới căn cứ không quân Orlan, Na Uy. Trong 3 tuần tới, quân đội Mỹ sẽ tiến hành các nhiệm vụ ở khu vực Vòng Bắc Cực và tại vùng không phận quốc tế ở phía tây bắc Nga.

Phía Mỹ cho biết việc đưa thêm quân tới gần Nga cho phép Washington sẵn sàng phản ứng nhanh với các động thái của Nga ở khu vực trong kịch bản xung đột nổ ra.

Tướng Jeff Harrigian, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cho biết: "Sự sẵn sàng hoạt động và khả năng của chúng tôi trong việc hỗ trợ các đồng minh và đối tác cũng như phản ứng nhanh với tình hình rất quan trọng đối với thành công chung".

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các động thái cho thấy ông sẽ đưa ra cách tiếp cận cứng rắn hơn với Moscow so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi đó, bày tỏ sự lo ngại về các động thái quân sự của Nga ở Bắc Cực. Mỹ cáo buộc Nga quân sự hóa Bắc Cực và cho rằng điều này có thể dẫn đến việc các nước khác bị chặn tiếp cận Bắc Cực để khai thác tài nguyên và giao thông.

Bộ trưởng Không quân dưới thời chính quyền Trump Barbara Barrett trước đó cho rằng Nga đang đầu tư ở Bắc Cực một hệ thống tấn công trên không và ven biển. Ông Barrett cũng nhận định Nga đang coi việc tiếp cận Bắc Cực là mục tiêu quan trọng với 25% GDP của nước này được dự đoán sẽ đến từ trữ lượng hydrocacrbon ở phía bắc Vòng Bắc Cực.