1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ "đau đầu" tháo gỡ nghịch lý thừa vắc xin Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vùng dịch lớn nhất thế giới đang đối mặt với nghịch lý mới: trong khi mới hơn 30% người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, một số bang đã gặp phải tình trạng cung nhiều hơn cầu.

Mỹ đau đầu tháo gỡ nghịch lý thừa vắc xin Covid-19 - 1

Một cơ sở tiêm chủng ở Seattle, Washington (Ảnh: Reuters).

Theo New York Times, nhiều bang của Mỹ trước đây đã mong mỏi nhận được vắc xin Covid-19 để tiêm chủng cho người dân nay lại đối mặt với tình trạng cung vượt cầu.

Nhiều chính quyền cấp bang ở Mỹ phải nghĩ ra những cách mới mẻ và sáng tạo để thuyết phục những người khó tiếp cận và ngần ngại tiêm chủng đi tiêm vắc xin, hoặc thậm chí phải dừng nhận thêm các chế phẩm.

Tính tới cuối tuần qua, khoảng 112,6 triệu người, tương đương 34% dân số Mỹ, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, . Khoảng 43% người dân Mỹ chưa tiêm bất cứ liều vắc xin nào.

Chính quyền liên bang Mỹ đã vận chuyển 329 triệu liều vắc xin tới các bang và 257 triệu liều trong số đó đã được sử dụng, theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Một số bang hiện đang thừa vắc xin do nhu cầu tiêm chế phẩm này thấp hơn lượng vắc xin còn trong kho. Các bang này đang cố gắng hết sức để tìm ra những người sẵn sàng tiêm chủng, trong khi yêu cầu chính quyền liên bang tạm dừng gửi các lô vắc xin đã được phân cho họ.

Nếu Colorado và Maryland hiện vẫn đang yêu cầu chính phủ cấp thêm vắc xin thì các bang như North Carolina, Connecticut, South Carolina lại yêu cầu giảm số lượng vắc xin tiếp nhận. Cuối tháng trước, Arkansas yêu cầu dừng hẳn việc vận chuyển vắc xin tới bang này trong 1 tuần.

Trong khi nhu cầu tiêm chủng chậm lại, tình hình dịch bệnh ở nhiều khu vực đã có sự cải thiện. Nhiều bang đã rục rịch kế hoạch mở cửa lại toàn bộ khi số ca bệnh đã giảm.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế lo ngại về việc nhu cầu tiêm vắc xin giảm có thể sẽ không cải thiện được những vấn đề lâu dài liên quan tới Covid-19 như sự gia tăng số bệnh nhân nhập viện hay số ca tử vong.

Các quan chức cấp cao ở West Virginia, Arkansas đã kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin để bảo vệ mình cũng như người thân khi nhu cầu tiêm chủng ở những nơi này giảm.

Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số trong 90 ngày tới. Nếu bang này không dùng vắc xin mà chính phủ đã phân phối, số vắc xin đó sẽ được đưa tới Massachusetts, nơi có tỷ lệ người dân chấp nhận tiêm vắc xin cao hơn.  

Theo New York Times, nhiều bang ở Mỹ đang đối diện với một xu hướng chung: ngày càng ít người muốn tiêm chủng trong tương lai gần.

"Đó là điều mà chúng tôi đã dự đoán sẽ xảy ra", Bác sĩ Amesh A. Adalja từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nói, nhấn mạnh giai đoạn tiêm chủng tiếp theo "sẽ thách thức hơn rất nhiều".  

Nỗ lực của Mỹ

Mỹ đau đầu tháo gỡ nghịch lý thừa vắc xin Covid-19 - 2

Giới chức Mỹ đã phải nỗ lực vận động người dân đi tiêm chủng (Ảnh: AFP).

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Jennifer Nuzzo cho rằng, nhóm dân số dễ tiếp cận nhất đã đi tiêm chủng. Những người còn lại có thể chia vào 3 nhóm: những người muốn tiêm chủng nhưng không có khả năng, những người do dự hoặc trì hoãn tiêm chủng và nhóm phản đối tiêm vắc xin vì lý do tôn giáo hoặc triết học hoặc các thuyết âm mưu cho rằng vắc xin nguy hiểm.

Nhóm muốn tiêm nhưng không có khả năng tiêm bao gồm người lớn tuổi không thể ra khỏi nhà, không đến được điểm tiêm chủng, người không đặt được lịch hẹn tiêm vì rào cản công nghệ, người bận đi làm hoặc người sống ở những nơi xa điểm tiêm vắc xin tập trung.

Các chính quyền địa phương đang nỗ lực hành động để có thể tiêm chủng cho nhóm này, như thiết lập các cơ sở tiêm chủng lưu động, loại bỏ các yêu cầu về đặt lịch hẹn, chuyển vắc xin đến khu vực vùng sâu vùng xa.

Với nhóm hoài nghi về vắc xin hoặc trì hoãn việc tiêm chủng, giới chức Mỹ phải đối mặt với một thách thức khác. Khi số ca Covid-19 có xu hướng giảm, nhóm này lại càng có lý do để không tỏ ra hào hứng với việc tiêm chủng. Trên thực tế, nhu cầu tiêm chủng ở Mỹ đã giảm khi số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này giảm từ mốc 70.000 ca/ngày hồi giữa tháng 4 xuống 42.000 ca/ngày hồi cuối tuần qua.

Mặc dù vậy, khi có ngày càng nhiều người tiêm chủng, nhóm hoài nghi có thể thay đổi quan điểm vì họ nhận ra không có nhiều người gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nhóm đặt ra thách thức lớn nhất cho Mỹ là nhóm từ chối thẳng thừng việc tiêm vắc xin, trong đó có những người bị thuyết phục bởi thông tin sai lệch và thuyết âm mưu rằng vắc xin nguy hiểm. Giới quan sát thừa nhận, tình trạng tin tức giả mạo lan truyền đang ở quy mô chưa từng có tiền lệ và làm ảnh hưởng tới nỗ lực tiêm chủng hàng loạt của Mỹ. Vì vậy, chính phủ Mỹ được khuyến nghị cần phải ngăn chặn vấn nạn này và tuyên truyền tin tức chính xác cho nhóm người phản đối vắc xin.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục giảm, các cộng đồng địa phương có thể sẽ tiếp tục chứng kiến các đợt bùng dịch mới.