1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số, vẫn chạy đua ngăn "quái vật" Delta

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ đạt mục tiêu tiêm chủng khi làn sóng Covid-19 mới do biến chủng Delta gây ra đã bắt đầu bùng phát tại nước này.

Mỹ đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số, vẫn chạy đua ngăn quái vật Delta - 1

Mỹ đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành (Ảnh: Reuters).

CNBC dẫn số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 2/8, cho biết nước này đã đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành của nước này, muộn hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu được Tổng thống Joe Biden đề ra.

Giới chức Mỹ tin rằng, tỷ lệ này là bước quan trọng này để đạt được miễn dịch cộng đồng với đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Mặc dù đây là một bước ngoặt quan trọng, nhưng giới chuyên gia cảnh báo mới chỉ là bước đầu, đặc biệt là khi làn sóng Covid-19 mới do biến chủng Delta gây ra bắt đầu lan rộng ở Mỹ.

"Chúng ta cần ít nhất 80% dân số tiêm chủng mới có được cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Đây là một virus lây lan rất khủng khiếp", Tiến sĩ Paul Offit, một thành viên có quyền biểu quyết của Ủy ban Cố vấn Sản phẩm Sinh học và Vắc xin của Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ, cho biết.

Bác sĩ gia đình Natasha Bhuyan ở Phoenix, cho rằng 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng là một mốc quan trọng nhưng xét về góc độ từng địa phương, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn đáng lo ngại.

"Kể cả khi nước Mỹ đạt được tỷ lệ 70% hay 75%, nếu chúng ta vẫn có những khu vực chỉ đạt được tỷ lệ 40% -50%, chúng ta vẫn có nguy cơ đối mặt với các đợt bùng phát và xuất hiện những điểm nóng bùng dịch. Chúng ta có thể vui mừng với mốc 70% này, nhưng cũng cần thận trọng", bà Natasha nói.

Mỹ đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số khi một số bang của nước này đã bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm và nhập viện vì Covid-19 gia tăng trở lại. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tính đến ngày 31-7, số ca nhiễm mới tăng 44%, số ca nhập viện tăng 41%, số ca tử vong tăng 25% (khoảng 300 người) trên toàn quốc. Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang ghi nhận trung bình 6.200 ca nhập viện mỗi ngày, trong khi số ca tử vong là hơn 300 ca/ngày.

"Chúng tôi vẫn lo ngại về sự gia tăng liên tục của các ca bệnh do biến chủng Delta", Điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients nói.

Theo giới chức y tế Mỹ, các vắc xin hiện thời của nước này vẫn có hiệu quả cao với biến chủng Delta, đặc biệt giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và nguy cơ tử vong ở người nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng ở Mỹ có dấu hiệu chậm lại những tháng gần đây. Theo CDC Mỹ, tính đến cuối tuần qua, trung bình mỗi ngày Mỹ tiêm chủng cho khoảng 660.000 người, thấp hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm hơn 3 triệu người/ngày hồi giữa tháng 4. Tuy vậy, tỷ lệ người tiêm mũi đầu đã tăng trong những ngày gần đây, đặc biệt ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất và lại đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát nghiêm trọng nhất.

Tỷ lệ tiêm chủng ở các bang của Mỹ có sự chênh lệch, trong đó, 20 bang và Washington DC có tỷ lệ tiêm chủng trên 70%, thậm chí Vermont, Hawaii, Massachusetts, Connecticut đạt trên 80%. Những bang khác có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, như Mississippi 50%, Wyoming 52,2%, Louisiana 53,6%.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, một số bang ở Mỹ đã đưa ra các chính sách khuyến khích tiêm chủng hoặc thậm chí yêu cầu tiêm chủng bắt buộc với công chức. Tổng thống Biden tuần trước kêu gọi các địa phương cấp cho mỗi người dân 100 USD nếu tiêm chủng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm