Mỹ đáp trả sau khi Nga tạm ngừng hiệp ước hạt nhân cuối cùng
(Dân trí) - Mỹ công bố biện pháp đáp trả sau khi Nga thông báo tạm ngừng START Mới, hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa 2 cường quốc quân sự.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 1/6 thông báo, nước này sẽ ngừng chia sẻ thông tin cần thiết với Nga theo hiệp ước START Mới để đáp trả quyết định của Moscow hồi đầu năm về việc tạm ngừng tham gia vào thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa 2 nước.
"Mỹ đã áp dụng các biện pháp đối phó phù hợp để đáp trả việc Nga liên tục vi phạm Hiệp ước START Mới", nhà ngoại giao Mỹ cáo buộc. Ông tuyên bố rằng việc Nga tạm ngừng tham gia hiệp ước là "không hợp lệ về mặt pháp lý" và Moscow vẫn bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Mỹ cho biết, họ sẽ ngừng gửi cho Nga những thông tin về tình trạng và vị trí của tên lửa, bệ phóng theo như hiệp ước quy định. Ngoài ra, Mỹ sẽ thu hồi các đặc quyền ngoại giao và thị thực của các thanh sát viên START Mới của Nga. Ngoài ra, Mỹ sẽ ngừng cung cấp dữ liệu về các vụ phóng tên lửa. Ông Blinken cho hay, Mỹ đã thông báo với Nga về quyết định và Washington sẵn sàng đảo ngược biện pháp đáp trả và tuân thủ START Mới trở lại nếu Nga cũng làm như vậy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2 tuyên bố Nga ngừng tham gia START Mới. Tuy nhiên, Nga khẳng định không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Mỹ.
Quyết định của Nga khiến phương Tây lo ngại. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông xem quyết định của nhà lãnh đạo Nga về việc tạm ngừng hiệp ước START Mới với Mỹ là bước đi sai lầm. Mặc dù vậy, ông nói, không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Sau tuyên bố của Washington hôm qua, Đại sứ quán Nga tại Mỹ vào ngày 2/6 đã phát đi thông báo khẳng định việc họ tạm ngừng tham gia START Mới là tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế.
"Chúng tôi đã biết đến các biện pháp đáp trả do Mỹ công bố. Washington phải từ bỏ các chính sách thù địch và ý định gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga để START Mới có thể được thực thi trở lại", Nga nêu điều kiện.
Hiệp ước START Mới giữa Nga và Mỹ có hiệu lực từ năm 2011, trong đó quy định mỗi nước không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Theo giới quan sát, Nga tạm ngừng tham gia START Mới dường như nhằm kéo thêm các nước đồng minh khác của Mỹ có vũ khí hạt nhân vào hiệp ước và gây sức ép với phương Tây về vấn đề Ukraine.