Mỹ đánh tiếng cấm cửa NATO ở Syria
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng NATO không nên quá liều lĩnh và việc áp đặt ý chí phương Tây đã có bài học từ Iraq.
Đánh tín hiệu
"Hội đồng Đại Tây Dương" - một cơ quan nghiên cứu của Mỹ- vừa đăng bài phân tích của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel về những thách thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thời hậu Obama.
Bài viết đề cập hàng loạt vấn đề, trong đó nổi bật là quan hệ NATO-Nga, việc giải quyết cuộc chiến tại Syria và khủng hoảng Ukraine.
Về vấn đề Syria, ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hagel cho rằng Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới không nên để NATO dính líu đến Syria.
Ông Hagel viết: “NATO cần phải thận trọng, không nên quá liều lĩnh. Vấn đề này là ở Trung Đông, nó sẽ không thể được quyết định bởi NATO cũng như không thể được giải quyết bằng quân sự”.
Ông Hagel cho rằng giải pháp cần thiết là từ những người dân trong khu vực. Theo ông, “điều cuối cùng chúng ta muốn làm đó là áp đặt ý chí của phương Tây, thể chế của phương Tây và tôi nghĩ chúng ta đã có bài học từ Iraq. Điều này sẽ không có tác dụng”.
Cuộc chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 6, khiến hơn 250.000 người chết và hơn 3 triệu người phải rời bỏ quê hương. Rất nhiều trong số này đang bỏ chạy đến châu Âu và gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Đề cập tới Ukraine, ông Hagel cho rằng năng lực quân sự của Ukraine không thể tiếp nhận những vũ khí phức tạp nên Chính quyền Obama cuối cùng đã quyết định chỉ cung cấp các thiết bị phòng thủ.
Theo ông Hagel, “nếu chúng ta cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine thì họ cũng không đủ khả năng để sử dụng và điều đó sẽ gia tăng sự giết chóc. Chúng ta có thực sự muốn gây chiến tranh với Nga về Ukraine hay không?”. Thay vì tập trung cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ nên tập trung vào việc làm thế nào để xây dựng sự ổn định tại Đông Âu.
E ngại phản ứng của Nga
Đặc biệt, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hagel nhấn mạnh tới mối quan hệ NATO-Nga và định hướng của Mỹ đối với NATO thời hậu Obama.
NATO đang lên kế hoạch triển khai 2 tiểu đoàn của Mỹ, cùng với Đức và Anh (mỗi nước một tiểu đoàn) tại Ba Lan và các nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania. Mỗi tiểu đoàn có khoảng 1.000 binh sỹ.
Cùng với việc Mỹ khai trương căn cứ tên lửa tại Romania vào ngày 11/5 vừa qua, các lực lượng NATO với phần lớn là binh sỹ Mỹ cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự quy mô tại Ba Lan trong mùa Xuân năm nay.
Hồi tháng 2 vừa qua, Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng Mỹ dự định tăng gấp 4 lần lực lượng quân đội ở châu Âu. Một số quan chức NATO cho rằng việc xây dựng quân đội tại sườn phía Đông nhằm phản ứng lại với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiếp tục hậu thuẫn các phần tử ly khai tại miền Đông Ukraine, đe dọa các quốc gia Baltic.
Tất cả những động thái này đã kích động phản ứng quyết liệt từ Nga. Moskva tuyên bố sẽ triển khai thêm 3 sư đoàn với khoảng 10.000 quân tại sườn phía Đông và phía Tây của Nga vào cuối năm nay.
Ông Hagel cảnh báo rằng Mỹ có thể tự đẩy mình vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác một cách rất nhanh chóng với Nga. Ông bày tỏ sự hoài nghi đối với các đồng minh châu Âu bởi chỉ có 5 trong số 28 thành viên NATO đáp ứng mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Ông Hagel cho rằng NATO cần phải rất thận trọng trong triển khai 4 tiểu đoàn nói trên, việc này hết sức nhạy cảm và nó khiến tất cả rơi vào tình trạng mà không ai muốn.
Theo ông, yêu cầu đầu tiên đối với Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới là phải ngồi đàm phán cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này có thể khó chịu nhưng ông Putin muốn giải quyết các vấn đề giữa các lãnh đạo với nhau.
Cho đến khi đối thoại giữa các lãnh đạo bắt đầu, Nga sẽ phản ứng với việc xây dựng lực lượng quân sự của NATO ở sườn phía Đông bằng việc triển khai thêm các tiểu đoàn, các hoạt động diễn tập quân sự, tàu chiến và các phương tiện mang vũ khí.
Theo Minh Thành
Đất Việt