Mỹ đang đưa châu Âu vào cuộc chiến hạt nhân với Nga
Mỹ đang loan báo về việc Nga đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào châu Âu, mặc dù thông tin này không phù hợp với tình hình thực tế. Chi được hãng thông tấn Russia Today đưa tin.
Ủy ban Khoa học trực thuộc Lầu Năm Góc đã đưa ra những khuyến nghị về việc hoàn thiện hóa lực lượng vũ trang Mỹ. Trong văn kiện này đã chỉ ra rằng, Mỹ phải tập trung vào những đối thủ tiềm năng nhất của mình đó là Nga và Trung Quốc, hai nước được khẳng định là những kẻ gây hấn trong văn kiện này.
Hơn nữa, các nhà quân sự Mỹ cũng đang nghiêm túc xem xét kịch bản Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào châu Âu. Theo các nhà phân tích Mỹ, do đó Nga đang nỗ lực đạt được chiến thắng quyết định trong khoảng thời gian ngắn thông qua các cuộc tấn công vào chiều sâu phòng thủ của đối phương.
Các nhà phân tích người Mỹ không loại trừ rằng ngay từ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Nga sẽ tiến hành cuộc tấn công hạt nhân vào khu vực Baltic. Trọng tâm của đòn tấn công này tập trung vào sử dụng các vũ khí nguyên tử chiến thuật để thể hiện sự kiên quyết và buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải từ bỏ các hành động đáp trả.
Ngoài đòn tấn công vào châu Âu và các nước Baltic, các chuyên gia không loại trừ Moscow có thể hoàn toàn phong tỏa hòn đảo Gotland của Thụy Điển ở Biển Baltic, thậm chí cả Latvia và Estonia trong khoảng thời gian 60 giờ đồng hồ.
Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến, kịch bản này đã được Nga soạn thảo trong cuộc tập trận Zapad - 2017. Còn Mỹ từ lâu đã cảnh báo về những lỗ ở của Stockholm. Ví dụ, vào tháng 3/2018, NATO đã thông báo rằng, Thụy Điển không có khả năng phản kháng lại một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Các chuyên gia khẳng định việc đánh chiếm Stockholm khiến các đơn vị của NATO không thể được triển khai đến để bảo vệ các nước Baltic.
Nhiều chuyên gia giả định, theo đó Washington muốn xóa bỏ sự trung lập của Thụy Điển, nước không nằm trong NATO mặc dù là một trong những đối tác thân cận nhất của Khối này. Trong báo cáo của Lầu Năm Góc còn chỉ ra rằng, Mỹ rất quan ngại về sự phát triển của Trung Quốc và Nga, những nước trong 30 năm qua đã xây dựng được không chỉ chiến lược quân sự của mình mà còn cả những chiến đấu cơ, xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa (Kinzhal, Vangard, Onyx, Zircon) tiên tiến và những loại vũ khí khác.
Hãng Russia Today nhấn mạnh, tuyên bố của Lầu Năm Góc chống lại tuyên bố của Tổng thống Nga Putin, người nhiều lần khẳng định Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ để đáp trả các hành động gây hấn. Hơn nữa, lãnh đạo Nga cũng thể hiện hy vọng điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Trả lời phỏng vấn hãng RT, chuyên gia quân sự Alexander Leonkov lưu ý rằng, học thuyết quân sự của Nga mang tính phòng thủ, và Moscow sẽ bắt đầu các hoạt động chiến đấu chỉ để chống lại nước mà phát động cuộc tấn công vào Nga trước tiên, hoặc đe dọa chủ quyền của Nga.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị - quân sự thuộc Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) Alexey Podberyozkin cho các nhà báo biết rằng, Lầu Năm Góc đang chuẩn bị châu Âu cho một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga một cách chuyên nghiệp. Do đó, Mỹ đang làm phức tạp hóa tình hình ở khu vực và chuẩn bị những cơ sở cho hiện đại hóa và triển khai bổ sung lực lượng hạt nhân của mình tại đây.
Theo Sơn Nguyễn
Tiền phong