1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Putin cảnh báo đáp trả thích đáng “sự gây hấn” của NATO

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ đáp trả thích đáng các động thái gây hấn của NATO ở khu vực gần biên giới Nga, bao gồm việc xây dựng các căn cứ quân sự.

Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trong cuộc họp với các đại sứ và đại diện ngoại giao của Nga hôm qua 19/7, Tổng thống Putin cảnh báo sẽ đáp trả lại động thái gây hấn của NATO, bao gồm việc kết nạp hai quốc gia láng giềng của Nga là Georgia và Ukraine vào liên minh quân sự này.

“Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng các hành động gây hấn có thể tạo ra mối đe dọa trực tiếp với Nga. Các đối tác của chúng tôi, những người muốn gia tăng căng thẳng, đang tìm cách đưa Ukraine và Georgia vào quỹ đạo quân sự của liên minh (NATO). Nhưng họ nên xem xét những hậu quả có thể xảy ra nếu theo đuổi chính sách vô trách nhiệm như vậy”, Tổng thống Putin nói.

Theo ông Putin, chìa khóa để bảo đảm an ninh và sự ổn định tại châu Âu nằm ở việc tăng cường hợp tác và khôi phục lòng tin, “thay vì thành lập thêm các căn cứ quân sự mới và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở gần biên giới Nga như đang diễn ra hiện nay”.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng “cần có một chương trình nghị sự khác biệt và tích cực hơn nhằm thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm tiếng nói chung”. Tổng thống Putin cho biết ông đã thảo luận về vấn đề này với người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki hôm 16/7.

Trưng cầu dân ý tại Ukraine

Bloomberg dẫn hai nguồn thạo tin cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Trump, Tổng thống Putin được cho là đã đề xuất giải quyết cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine bằng việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Ông Putin đã đưa ra ý tưởng trên trong cuộc gặp kín giữa hai nhà lãnh đạo tại Helsinki, song tổng thống Nga được cho là sẽ không thảo luận công khai vấn đề này trong khi Tổng thống Trump vẫn đang dành thời gian cân nhắc.

Trong suốt 4 năm qua, các cuộc xung đột vũ trang giữa chính quyền Ukraine và các lực lượng ly khai ủng hộ Nga đã diễn ra tại vùng Donbas của Ukraine. Theo các nguồn tin, những người dân tại các vùng lãnh thổ Donetsk và Lushank, khu vực do phe ly khai kiểm soát, có thể bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự trị của các vùng lãnh thổ này dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Theo Bloomberg, ngay cả khi Tổng thống Trump đồng ý với đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý của người đồng cấp Nga, Ukraine và các nước châu Âu cũng khó có thể chấp thuận phương án này. Trước đó, người dân ở Donetsk và Lushank từng bỏ phiếu tách khỏi Ukraine vào năm 2014 trong một cuộc trưng cầu dân ý bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích là phi pháp.

Truyền thông phương Tây cho rằng cuộc xung đột tại Donbas là kết quả của sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014. Khi đó, Crimea cũng đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó 87% người dân Crimea bỏ phiếu đồng ý trở thành một phần của Nga. Tòa án tối cao Ukraine cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này là không phù hợp với hiến pháp, trong khi Mỹ và các nước châu Âu cũng không đồng tình và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ không công nhận Crimea là một phần của lãnh thổ Nga, Tổng thống Trump dường như linh động hơn trong vấn đề này. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6, ông Trump được cho là đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng Crimea thuộc lãnh thổ Nga vì hầu hết người dân trên bán đảo này nói tiếng Nga.

Thành Đạt

Theo TASS, BI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm