Mỹ công khai dữ liệu kho vũ khí hạt nhân
(Dân trí) - Mỹ đã công khai thông tin kho vũ khí hạt nhân của nước này và kêu gọi Nga hành động tương tự.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/5 đã công bố dữ liệu kho vũ khí hạt nhân của nước này. Cụ thể, Washington có 1.419 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai kể từ ngày 1/3, giảm so với 1.515 đầu đạn vào tháng 3/2022 và nằm trong giới hạn 1.550 đầu đạn theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START).
Năm ngoái, Nga cho biết nước này có 1.474 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai.
Số đầu đạn của Mỹ được gắn trên 662 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các hệ thống phóng khác, giảm so với 686 hệ thống một năm trước đó và nằm trong giới hạn 700 hệ thống theo hiệp ước New START. Nga đã báo cáo 526 hệ thống triển khai đầu đạn hạt nhân một năm trước đó.
Mỹ tuyên bố duy trì 800 hệ thống phóng, bao gồm những hệ thống trong trạng thái sẵn sàng triển khai, tương tự một năm trước và cũng là mức tối đa được hiệp ước New START cho phép.
Mỹ kêu gọi Nga hành động tương tự và công khai dữ liệu kho vũ khí hạt nhân.
"Mỹ tiếp tục coi sự minh bạch giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là điều quan trọng để giảm khả năng nhận thức, tính toán sai lầm và các cuộc cạnh tranh vũ khí tốn kém. Mỹ kêu gọi Nga tuân thủ các nghĩa vụ ràng buộc pháp lý của mình bằng cách quay trở lại thực hiện đầy đủ hiệp ước New START và tất cả các biện pháp xác minh trong đó", Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Hồi tháng 3, Mỹ thông báo ngừng chia sẻ một số dữ liệu hạt nhân sau khi Nga tạm đóng băng hiệp ước New START Mới về kiểm soát vũ khí với Washington. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow vẫn để ngỏ đối thoại với phương Tây về vấn đề hạt nhân, song phải trên cơ sở bình đẳng và xét đến các lợi ích của Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố, nếu Mỹ thực sự quan tâm tới việc nối lại hiệp ước New START với Nga, Washington cần bỏ ý tưởng khiến Nga chịu thất bại chiến lược. Ông Ryabkov cho biết, Moscow đã buộc phải tạm ngừng tham gia hiệp ước New START vì cáo buộc Mỹ sử dụng hiệp ước này để giúp Ukraine tấn công các địa điểm chiến lược của Nga.
Hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ có hiệu lực từ năm 2011, trong đó quy định mỗi nước không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nga nhiều lần khẳng định nước này không rút khỏi hiệp ước New START, nhưng nói rằng họ sẽ nối lại thảo luận về hiệp ước khi thỏa thuận xét đến cả năng lực hạt nhân của Anh và Pháp - các đồng minh của Mỹ trong NATO.
Việc Moscow tạm ngừng tham gia hiệp ước New START giữa lúc xung đột ở Ukraine leo thang làm dấy lên lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các quan chức Nga nhiều lần khẳng định Moscow sẽ không dùng vũ khí hủy diệt này trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.