1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ có thể sẵn sàng thách thức Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ đã công bố kế hoạch nhằm đối phó sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc và gây sức ép với Bắc Kinh tại các điểm nóng trong khu vực.

Mỹ có thể sẵn sàng thách thức Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương - 1

Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc diễn tập với các nước Đông Nam Á năm 2019. (Ảnh: AFP)

Mỹ đã công bố kế hoạch nhằm kiềm chế sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh hải quân của nước này bằng việc sử dụng các tàu nổi không người lái, tàu ngầm, máy bay phóng từ tàu sân bay trên biển và các khí tài hiện đại khác.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, hạm đội tương lai của Mỹ có khả năng tấn công “chí mạng” từ cả trên không, trên biển và dưới nước.

Phát biểu tại Tập đoàn Rand ở California, Bộ trưởng Esper nói rằng hạm đội Mỹ sẽ đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông gọi Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ, và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “địa bàn ưu tiên trong các hoạt động” của quân đội Mỹ.

Chiến tranh Lạnh mới?

Theo Zhu Feng, người đứng đầu Trường Nghiên cứu Đối ngoại thuộc Đại học Nam Kinh, Mỹ đang tìm cách khởi xướng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc.

“Phát biểu của ông Esper phần lớn phản ánh xu hướng liên quan tới tới sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng lúc đó, Mỹ cũng gây sức ép với Trung Quốc bằng cách vừa thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vừa mở rộng ảnh hưởng địa chính trị trên toàn châu Á”, Sputnik dẫn lời chuyên gia Zhu cho biết.

Cũng theo chuyên gia Zhu, “Mỹ đang gây sức ép với Trung Quốc không chỉ về thương mại, ngoại giao, khoa học, công nghệ và văn hóa, mà còn đẩy mạnh răn đe Trung Quốc về quân sự”.

“Mỹ đang tìm cách khởi xướng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính. Do vậy, việc tăng cường sức mạnh hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như đẩy mạnh việc bao vây Trung Quốc về quân sự là những thành tố không thể thiếu trong chính sách của Mỹ”, chuyên gia Zhu cáo buộc.

Alexei Mukhin, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị - một viện nghiên cứu hàng đầu của Nga, coi tuyên bố của Bộ trưởng Mark Esper là động thái tuyên truyền của Mỹ nhằm gây sức ép với Trung Quốc.

“Mục tiêu chiến lược của Mỹ là kiềm chế các quốc gia khác để chứng minh sự hùng mạnh. Mỹ đang phô diễn vũ khí để tạo ra sự ảo tưởng về sức mạnh. Họ cho rằng sự khoa trương này sẽ gây ấn tượng với các đối thủ, trước hết là Trung Quốc. (Tổng thống Mỹ Donald) Trump cần thể hiện sức mạnh quân sự, vì các chính sách đối với Bắc Kinh mà ông theo đuổi trước đây đã không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí khiến tình hình xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trở nên phức tạp hơn”, chuyên gia Mukhin nhận định.

“Mỹ bây giờ bắt đầu phô diễn sức mạnh quân sự nhằm hăm dọa Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ rằng những động thái này sẽ có tác dụng ngược. Trung Quốc cũng sẽ tăng cường năng lực quân sự trong khu vực để đáp trả các hoạt động trên biển của Mỹ. Trung Quốc có mọi cơ hội để làm việc này”, chuyên gia Mukhin cho biết.

Thông điệp gửi đồng minh

Mỹ có thể sẵn sàng thách thức Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương - 2

Các máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. (Ảnh: US Navy)

Chuyên gia Mukhin tin rằng tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper được đưa ra để gửi tới các đồng minh của Washington.

“Các đồng minh của Mỹ đang hoài nghi về việc Wasington sẽ bảo vệ họ. Kế hoạch của Bộ trưởng Esper nhằm gây ấn tượng với các đồng minh. Đức và Nhật Bản đang tích cực khẳng định vị thế của họ trên toàn thế giới. Đây là những dấu hiệu đáng báo động đối với Mỹ - quốc gia đã quen với việc được các nước tôn sùng. Hiện tại không còn như vậy nữa. Ngay cả Australia cũng hoài nghi về việc nước này có thể dựa hoàn toàn vào Mỹ để đảm bảo an ninh, chưa nói đến việc Nhật Bản cũng đang tăng cường ngân sách quân sự. Điều này thể hiện rằng rằng sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ các nước sẽ không phù hợp”, chuyên gia Mukhin nhận định.

Theo Vladimir Evseev, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, Đài Loan có thể tin rằng kế hoạch của Mỹ trong việc giành được lợi thế quân sự trước hải quân Trung Quốc trong khu vực là động thái nhằm hỗ trợ Đài Loan.

“Một số nhà lãnh đạo chính trị, bao gồm giới chức Đài Loan, có thể diễn giải tuyên bố của ông Esper là sự ủng hộ các hành động ly khai, nhằm ngăn cản Đài Loan thống nhất với Trung Quốc đại lục. Họ sẽ hiểu theo cách này, vì điều đó có lợi cho Đài Loan cả về chính trị và quân sự. Hơn nữa, Đài Loan đang xây dựng hạm đội tàu ngầm của riêng hòn đảo và đã ký kết các hợp đồng mua vũ khí hiện đại của Mỹ. Tất nhiên, đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ - Trung, bất chấp kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Với sự giúp đỡ của Đài Loan, Mỹ đang nỗ lực gây áp lực lên Trung Quốc đại lục cả về chính trị lẫn quân sự ”, chuyên gia Evseev nhận định.

Theo SCMP, khi chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tới Đài Loan diễn ra vào tuần trước, Trung Quốc đã có động thái cảnh báo bằng cách tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần eo biển Đài Loan với sự tham gia của gần 40 máy bay quân sự. Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi cuộc tập trận này là hành động hợp pháp và cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm