1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể đã ngừng đòi Hàn Quốc đóng “phí bảo vệ” 5 tỷ USD

(Dân trí) - Mỹ dường như đã từ bỏ yêu cầu Hàn Quốc phải đóng “phí bảo vệ” 5 tỷ USD sau khi Seoul cam kết sẽ mua thêm vũ khí của Washington, truyền thông Hàn Quốc đưa tin.

Mỹ có thể đã ngừng đòi Hàn Quốc đóng “phí bảo vệ” 5 tỷ USD - 1

Quân nhân Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập chung hồi tháng trước (Ảnh minh họa: Reuters)

Báo Chosun Ilbo ngày 26/12 dẫn một nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho biết Mỹ dường như đã không còn yêu cầu Hàn Quốc phải đóng gấp 5 lần tiền phí để quân đội Washington đồn trú ở quốc gia Đông Á sau khi nhận được một số cam kết của của chính phủ Seoul.

Theo tờ báo này, Hàn Quốc có thể đã cam kết với Mỹ rằng họ sẽ mua thêm vũ khí của Washington. Ngoài ra, Seoul cũng đã “đánh tiếng” về việc gia tăng hiện diện quân sự ở eo biển Hormuz, hỗ trợ Mỹ trong việc bảo vệ đường vận chuyển dầu huyết mạch ở khu vực Trung Đông. Nguồn tin nói rằng những yếu tố kể trên dường như đã khiến Mỹ chỉ yêu cầu Hàn Quốc tăng 10-20% mức “phí bảo vệ” gần 1 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc từ chối bình luận về thông tin này, theo Bloomberg.

Tháng trước, phái đoàn Mỹ đã bỏ về sớm khi đàm phán về chi phí cho quân đồn trú ở Hàn Quốc do không tìm được tiếng nói chung. Cả hai bên đều cho rằng phía còn lại chưa chuẩn bị để đi tới một sự nhượng bộ công bằng và hợp lý trong việc chia sẻ chi phí cho 28.500 quân nhân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. 

Trong khi phía Mỹ được cho là muốn Hàn Quốc phải chi 5 tỷ USD thì Seoul lại cho rằng “khoản phí nên nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mà 2 bên đã cùng đồng thuận trong 28 năm qua”.

Hai bên đã nối lại đàm phán vào tháng này trong bối cảnh thời hạn để trao đổi về “phí bảo vệ” sắp hết hạn, theo Bloomberg. 

Sự không thống nhất trong quan điểm hồi tháng trước làm dấy lên những câu hỏi về quan hệ giữa Mỹ và đồng minh thân thiết trong hơn 60 năm qua.

Theo Bloomberg, kết quả cuộc đàm phán với Hàn Quốc cũng có thể ảnh hưởng tới quốc gia khác đang cho quân Mỹ đồn trú trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang yêu cầu các đồng minh khác phải tăng khoản “phí bảo vệ” đóng cho Washington.

Trong thời gian qua, ông Trump từng nhiều lần phàn nàn về việc các đồng minh trên thế giới có sự đóng góp thiếu công bằng về mặt chi phí quốc phòng và Mỹ dường như là bên chịu gánh nặng. Mỹ được cho sẽ bắt đầu bàn bạc về các thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng với Nhật Bản, Đức và NATO vào năm tới.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg.