1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể bất đắc dĩ phải bắt tay với Taliban tại Afghanistan?

Thanh Thành

(Dân trí) - Báo Asia Times nhận định, Mỹ có thể phải thừa nhận rằng mối đe dọa khủng bố thực sự ở Afghanistan đến từ IS chứ không phải Taliban.

Mỹ có thể bất đắc dĩ phải bắt tay với Taliban tại Afghanistan? - 1

Máy bay quân sự của Tây Ban Nha vận chuyển người sơ tán khỏi sân bay Kabul, Afghanistan ngày 27/8 (Ảnh: Reuters).

Thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 26/8 đã bị rung chuyển bởi vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại sân bay Kabul, nơi nhiều người tập trung để chờ sơ tán ra nước ngoài, khiến 13 binh sĩ Mỹ và 170 người khác thiệt mạng. Theo Asia Times, vụ việc này có thể sẽ khiến Mỹ và Taliban bắt tay hợp tác ở mức độ cao hơn.

Người chỉ huy CENTCOM (Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ), Tướng Kenneth McKenzie, tiết lộ với các nhà báo hôm 26/8 rằng, Mỹ đã chia sẻ thông tin về các mối đe dọa khủng bố ở Afghanistan với Taliban. "Chúng tôi chia sẻ các phiên bản của thông tin này với Taliban để họ mở chiến dịch truy lùng. Chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ giúp ngăn chặn một số vụ việc".

Mỹ cuối cùng có thể cũng có chung quan điểm của Nga rằng, mối đe dọa khủng bố thực sự ở Afghanistan bắt nguồn từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chứ không phải Taliban, và quan trọng hơn, Taliban có thể là một đối tác hữu ích trong cuộc chiến chống IS.

Chiến thắng chóng vánh của Taliban khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden choáng váng. Nhiệm vụ trước mắt là sơ tán công dân Mỹ và hàng nghìn người dân Afghanistan ra khỏi sân bay Kabul. Hoạt động an ninh khó khăn này đòi hỏi Mỹ phải có mối quan hệ hợp tác với Taliban. Chính quyền Biden dù "vặn vít" trừng phạt Taliban bằng cách cắt đứt quyền tiếp cận tài chính của họ, nhưng mặt khác Washington cũng đã có các dấu hiệu kết nối.

Về phần mình, Taliban dường như vẫn hợp tác. Với mức độ chấp nhận Taliban đang tăng lên, Tổng thống Biden đã cử Giám đốc CIA William Burns đến Kabul hôm 23/8 để gặp thủ lĩnh chính trị của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar. Ít nhất, nhiệm vụ của ông Burns là "đánh động" với ông Baradar về các báo cáo tình báo liên quan đến một mối đe dọa khủng bố sắp xảy ra đối với Kabul.

Những dấu hiệu thay đổi từ Washington

Mỹ có thể bất đắc dĩ phải bắt tay với Taliban tại Afghanistan? - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứng chịu nhiều chỉ trích sau các diễn biến bất lợi với Mỹ tại Afghanistan gần đây (Ảnh: Reuters).

Trong những ngày gần đây, chính ông Biden đã nhiều lần nói rằng Taliban là kẻ thù truyền kiếp của IS và ngược lại. Tổng thống Biden có lẽ đã báo hiệu cho Taliban về những lợi ích khi hai bên cùng hợp tác.

Trong phát biểu trước báo giới tại Washington vào ngày 25/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận rằng khi đối phó với chính quyền Taliban, lợi ích của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu.

Do đó, vụ tấn công khủng bố ở sân bay Kabul có thể sẽ khiến Washington phải xem xét lại về cách tiếp cận với Taliban.

Hiện vẫn chưa rõ hướng đi trên ra sao, nhưng việc kết nối sâu hơn với Taliban là điều cần thiết với Washington bởi lý do đơn giản rằng, họ đang là một thực tế ở Kabul, đang kiểm soát gần như toàn bộ Afghanistan và sẽ là lực lượng quan trọng chống lại IS cũng như các nhóm khủng bố lẻ tẻ khác.

Thông điệp của Tổng thống Biden rất mạnh mẽ và rõ ràng trong bài phát biểu cảnh báo IS từ Nhà Trắng: "Chúng ta sẽ không tha thứ. Chúng ta sẽ không quên. Chúng ta sẽ truy lùng chúng và bắt chúng phải trả giá ".

Điều đó có nghĩa là việc tẩy chay chính quyền Taliban ở Kabul không còn là một lựa chọn khả thi của chính quyền Bide. Đến ngày 28/8, Mỹ đã ném bom các khu vực hoạt động của IS tại Afghanistan.

Vấn đề ở đây là các điều kiện để hai bên xích lại sẽ như thế nào. Để chắc chắn, Mỹ sẽ cần sự hiện diện tình báo mạnh mẽ ở Kabul. Vì vậy, việc mở lại Đại sứ quán tại Kabul sẽ khó sớm diễn ra.

Trong khi đó, Taliban rất thực dụng. Họ sẽ tích cực hợp tác với Mỹ vì điều đó có thể giúp họ dễ dàng được cộng đồng quốc tế công nhận tính hợp pháp và quan trọng nhất là tiếp cận các quỹ bị phong tỏa và nối lại hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như các cơ quan của Liên hợp quốc.

Mức độ quan hệ được nâng cao với Mỹ sẽ giúp Taliban củng cố chính phủ và tập trung vào việc nắm quyền. Và lúc đó rõ ràng là sẽ không có chỗ cho bất kỳ phong trào kháng chiến chống Taliban nào ở Afghanistan. Khi đó, nhóm phản kháng chống Taliban ở tỉnh Panjshir sẽ thấy rõ điều này.

Nghịch lý là vụ tấn công đẫm máu ở Kabul hôm 26/8 có thể trở thành một cơn gió chính trị mới đối với Taliban. Afghanistan sẽ vẫn là quốc gia ở tuyến đầu đối với Washington trong tương lai gần xét từ góc độ các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên, đối với cá nhân Tổng thống Biden, các diễn biến tại Afghanistan đã làm giảm đáng kể tỷ lệ ủng hộ của ông. Trước mắt, các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ muốn ông Biden đứng ngoài cuộc tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024.