Mỹ-chuyên gia "cài đặt bẫy"?
Muốn giàu có, mạnh mẽ thì phải đứng trên đôi chân của mình. Muốn lợi dụng Mỹ để giàu, mạnh, nhanh chóng thì hơi mong manh.
Đừng đùa với ngôi bá chủ thế giới
Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh cùng với sự tan rã của Liên Xô, Mỹ rất mạnh nên đương nhiên giữ ngôi Bá chủ thế giới.
Với nguồn lực kinh tế, quân sự khổng lồ, Mỹ gần như thao túng tất cả, theo dõi tất cả và sẵn sàng "can thiệp" vào những quốc gia nào có ý đồ cạnh tranh với ngôi vị thống trị thế giới của mình. Đó là điều không ai nghi ngờ gì.
Sự xuất hiện của Nga, Trung Quốc có vẻ như thế giới đã trở về đa cực và khiến cho nhiều lầm tưởng rằng Mỹ đã hết thời bá chủ thế giới.
Tuy nhiên, ngôi vị bá chủ không bao giờ bị thay đổi chỉ bằng lời nói, bằng tuyên bố … mà phải có thực chứng hơn thua khi so găng đấu trí trên trường quốc tế.
Người Nga đã phê phán Trung Quốc là ảo tưởng về sức mạnh kinh tế, ảo tưởng về trung tâm kinh tế thứ 2 thế giới, chưa gì đã vội bỏ sách lược “thao quang dưỡng hối” nên đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Trung Quốc đã rơi vào cái bẫy do Mỹ cài đặt.
Hãy khoan nói đến B-2, chưa một quốc gia nào dám thử với B-52 Mỹ sau chiến tranh Việt Nam
Xét về khả năng độc lập tự chủ về kinh tế trong cái “thế giới toàn cầu hóa” này thì Trung Quốc so với Nga không là gì hết. Nghĩa là Trung Quốc mà bị “thân cô thế cô” như Nga hiện giờ là đổ sụp liền, vì Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều về thế giới bên ngoài của Mỹ thao túng.
Có thể nói, nếu có một cuộc cấm vận quy mô với Trung Quốc do Mỹ và đồng minh tiến hành thì không phải như Nga, Trung Quốc bị phát sốt bởi 3 tử huyệt chính: Năng lượng; thị trường; ổn định nội bộ.
Nga không thách thức địa vị thống trị thế giới của Mỹ như Trung Quốc hô hào, Nga không phấn đấu trở thành siêu cường này kia, vì theo Putin, thì nó có giá đắt và vô nghĩa.
Việc Nga trỗi dậy, thách thức Mỹ là do Mỹ muốn diệt Nga để trừ hậu họa, Mỹ khiêu khích, bao vây Nga để dồn Nga vào thế hoặc là đầu hàng hoặc là tan rã…trước khi Nga thành siêu cường thực sự cạnh tranh ngôi vị với Mỹ.
Rõ ràng, hành động của Nga với Mỹ trong thời gian qua chưa phải là sự tranh giành ngôi vị với Mỹ, trên con đường đến thế giới đa cực, mà đó mới chỉ là bước ngoặt, khởi đầu.
Nhưng, nếu coi hành động, kết quả của Nga ở Syria, vai trò của Mỹ tại đó trong thời gian qua…để đánh giá rằng, Mỹ đã “hết thời làm mưa làm gió” trên thế giới thì là loại người “điếc không sợ súng”, loại người “xỉa răng cho hổ đói”. Cứ thử bước qua “làn ranh đỏ an ninh quốc gia” của Mỹ xem!
Những cú mắc bẫy!
Rõ ràng trên thế giới này, Mỹ có thể khiến cho các quốc gia khác tin Mỹ hay không tin Mỹ, tùy, nhưng ngược lại là không thể. Đương nhiên rồi! Không ai có quyền đòi hỏi, yêu cầu Mỹ ra tay, nếu như điều đó không động chạm đến “làn ranh đỏ” của Mỹ.
Năm 1990, Đại sứ Mỹ tại Iraq, April Glaspie, người đã cho Saddam Hussein “cái gật đầu” để xâm chiếm Kuwait. Và, sau này khi hiểu nguyên nhân vì sao Mỹ muốn lật đổ ông Saddam thì ông Saddam không thể đội mồ thanh minh được nữa.
Năm 2008, Tổng thống Gruzia phải “nhai cà vạt” khi nghe Mỹ, tin có Mỹ "chống lưng", đã dám chìa dao vào sườn phía Tây “gấu Nga”. Và Ukraine vẫn dại dột đi theo vết xe đổ của Gruzia bởi miếng mồi “giàu có” (vì gia nhập được vào EU), “sức mạnh” (vì gia nhập vào NATO)…
Bài học rút ra: Đừng đổ tội cho Mỹ. Muốn giàu có, mạnh mẽ thì phải đứng trên đôi chân của mình. Muốn lợi dụng Mỹ để giàu, mạnh, nhanh chóng thì hơi mong manh, hơi bị ảo tưởng đấy.
Syria ngày 24 tháng 11 năm 2015. Mỹ không gật đầu để Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ SU-24 của Nga mới là chuyện lạ. Bắn rồi mới biết…cay đắng ra sao hỡi Ankara.
Tình hình diễn biến trên chiến trường Syria đầu năm 2016, qua hành động “đáng nghi” của Mỹ với người Kurd…đã khiến cho giới quân sự cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ cảm nhận thấy có một chiếc bẫy mà Mỹ đã giăng ra dành cho Erdogan.
Nên nhớ, điểm rất khác biệt trong vấn đề đưa “lực lượng mặt đất” vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia là: Nếu như Saudi tuyên bố sẽ triển khai khi được sự chấp thuận của Mỹ, thì với Thổ Nhĩ Kỳ, theo tuyên bố của Bộ tham mưu quân đội là phải được chấp thuận của HĐBA.
Có lẽ ông Erdogan khi đã biết kế hoạch B của Mỹ như nào thì ông ta phải cẩn thận hơn, tỉnh táo hơn, nếu như không muốn phải “go out” trước ông Assad.
Nga đã cho Ankara biết sự thực cay đắng nhường nào và cũng chơi đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ khi tuyên bố rằng, Nga không biết và không có kế hoạch B, C gì như Mỹ, cùng với Mỹ. Nghĩa là, Nga vẫn chìa tay ra với Thổ Nhĩ Kỳ nếu như Thổ Nhĩ Kỳ muốn, cần điều đó, chẳng hạn xin lỗi, bồi thường...
Siêu cường cũng mắc bẫy?
Tại châu Á-TBD. Tôi đã từng cho rằng Trung Quốc đã mắc mưu chiến lược Mỹ trong nhiều bài viết. Vậy kết quả này, Trung Quốc đã đang quân sự hóa Hoàng Sa, Trường Sa, liệu đã chứng tỏ Trung Quốc đã phá được bẫy Mỹ cài đặt hay không?
Hãy quan sát tình hình Đông Bắc Á. Cứ mỗi lần Triều Tiên căng thẳng là mỗi lần Mỹ, Nhật Bản tha hồ triển khai lực lượng, là mỗi lần Trung-Triều càng trở nên thù địch…mà nguyên nhân là từ Triều Tiên thử VKHN.
Tại sao Triều Tiên thử VKHN là do Mỹ không ký với họ hiệp định hòa bình là nguyên nhân của mọi nguyên nhân và nhìn sâu hơn thì có vẻ như Trung Quốc là đích Mỹ nhắm đến.
Trên vùng biển ĐNA, cứ mỗi lần Mỹ can thiệp với tinh thần bảo vệ tự do an toàn hàng hải là mỗi lần Trung Quốc phản ứng mạnh bằng hành động. Từ tăng cường bồi lấp phi pháp đến hung hăng quân sự hóa các đảo…nhưng Mỹ chưa có hành động nào gọi là cứng rắn để ngăn chặn…
Dễ hiểu thôi, đầu tiên, phải khẳng định là việc quân sự sự hóa của Trung Quốc, như mở rộng bồi lấp đảo, xây đường băng, đưa tên lửa, radar, máy bay ra đảo…trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về ý nghĩa quân sự thì sức răn đe của nó với Mỹ không đáng một lạng.
Trong khi đó, với các quốc gia ven biển ĐNA, thì hành động đó của Trung Quốc cũng chưa đủ để buộc họ phải sợ Bắc Kinh, nhưng lại tạo ra hình ảnh Trung Quốc như một “đầu gấu” khu vực là rõ ràng, hiện thực nhất.
Trung Quốc không hiểu, nhưng Mỹ thừa hiểu, không như Trung Đông, chỉ cần có nhiều tiền là các tổ chức hồi giáo cực đoan nổi lên như nấm có mưa. Các quốc gia ĐNA thì khác, tính dân tộc và chủ quyền là rất cao thông qua truyền thống chống ngoại xâm của họ.
Điều khá thú vị là chỉ cần Mỹ cho tàu chiến lượn vài vòng ngoài vùng 12 hải lý thôi là Trung Quốc “nổi máu nước lớn” thách thức Mỹ ngay, nhưng đâu có biết rằng, Mỹ đang chờ để bán vũ khí…
Rõ ràng, hành động của Mỹ tại châu Á-TBD luôn luôn cho 2 kết quả: Một, liên minh quân sự, chính trị của Mỹ ngày càng thắt chặt, củng cố. Hai, Trung Quốc hết bạn (mất nốt Triều Tiên) và thêm quá nhiều thù hay có quá nhiều láng giềng lo ngại, cảnh giác.
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt