1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ chính thức đóng cửa chính phủ, Nhà Trắng nói gì?

(Dân trí) - Nhiều cơ quan liên bang của Mỹ hôm nay 20/1 chính thức đóng cửa sau khi các nhà làm luật Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện không đạt được thỏa thuận về gia hạn ngân sách chi tiêu cho chính phủ.


Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và các lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện bất thành. (Ảnh: NYTimes)

Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và các lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện bất thành. (Ảnh: NYTimes)

Chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa một phần vào sáng sớm nay 20/1 theo giờ địa phương sau khi dự thảo ngân sách gia hạn chi tiêu cho chính phủ chỉ nhận được 50 phiếu ủng hộ tại Thượng viện, không đủ 60 phiếu tối thiểu.

Trong khi các nhà làm luật tiếp tục thảo luận để mở cửa chính phủ trở lại trong thời gian sớm nhất, Nhà Trắng đã ra thông cáo đổ lỗi cho các nghị sĩ đảng Dân chủ, những người phản đối dự thảo ngân sách vì không được đáp ứng điều khoản liên quan đến người nhập cư.

""Đêm nay, họ đã đặt vấn đề chính trị lên trên vấn đề an ninh quốc gia, lên trên gia đình các quân nhân, những trẻ em bất hạn, cũng như lên trên khả năng phục vụ tất cả người dân Mỹ của chúng ta. Chúng tôi sẽ không thương lượng về vị thế của những người nhập cư trái phép khi đảng Dân chủ biến chính công dân của mình thành con tin chỉ vì những yêu sách của họ", thông cáo cho biết. Thông cáo cũng nhấn mạnh, đảng Cộng hòa chỉ bàn đến cải cách nhập cư cho đến khi đảng Dân chủ đồng ý gia hạn chi tiêu ngân sách chính phủ.

Đảng Dân chủ yêu cầu rằng phải gắn biện pháp xử lý vấn đề nhập cư vào dự luật ngân sách để bảo vệ một nhóm đông những người nhập cư trẻ không có giấy tờ, còn được gọi là những người thuộc diện “Dreamers”.

Bloomberg cho biết, lường trước được nguy cơ đóng cửa chính phủ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch sẵn kịch bản phải ngừng một số hoạt động của chính phủ. Chính quyền của ông muốn hạn chế tối đa việc gián đoạn hoạt động của các cơ quan liên bang. Ví dụ, các hoạt động trao đổi thư tín sẽ vẫn được đảm bảo, các trạm kiểm soát không lưu vẫn hoạt động bình thường, công viên quốc gia tiếp tục mở cửa.

Năm 2013, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng từng đóng cửa 16 ngày, gây thiệt hại ước tính 12 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Trong thời gian đóng cửa, phần nhiều nhân viên chính phủ phải nghỉ không lương. Khoảng 800.000 công chức nghỉ việc vô thời hạn mà không được trả lương kể từ ngày 1/10/2013. Lương hưu và trợ cấp cho cựu binh buộc phải trì hoãn.

Minh Phương

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm